Thứ Ba | 27/10/2015 06:45

TPP đang làm nóng thị trường nhà đất

Nhiều nhà đầu tư ngoại hướng tới phân khúc bất động sản dành cho người có thu nhập trung bình và khá.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không chỉ tác động đến lĩnh vực dệt may, nông nghiệp, thủy hải sản… mà còn làm ấm nóng thị trường bất động sản (BĐS).

Dự án tỉ đô

Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào BĐS tăng mạnh trong thời gian gần đây. Riêng trên địa bàn TP.HCM, số liệu thống kê từ cơ quan chức năng cho thấy trong 10 tháng đầu năm nay, FDI đổ vào BĐS tại thành phố nhiều nhất so với các lĩnh vực đầu tư khác, đạt khoảng 1,5 tỉ USD.

Trong số những dự án BĐS “khủng” đầu tư vào TP.HCM thời gian qua, nổi bật nhất là Công ty TNHH Liên danh Empire City cam kết đầu tư 1,2 tỉ USD để xây dựng khu phức hợp tháp quan sát tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. Dự án này gồm tòa nhà cao 86 tầng, trung tâm thương mại, khách sạn năm sao.... Một quỹ đầu tư của Nhật Bản mới đây cũng rót 200 triệu USD vào BĐS An Gia.

Ông Toshihiko Muneyoshi, Chủ tịch Quỹ đầu tư Creed Group, tiết lộ nếu thị trường tốt, quỹ sẵn sàng bơm thêm hàng trăm triệu USD nữa. “Thị trường Việt Nam có dân số đông và trẻ, chủ yếu tập trung sống ở đô thị, trong khi quỹ nhà ở còn khiêm tốn. Nhiều chính sách pháp luật về đất đai hiện đã thông thoáng như mở cửa cho người nước ngoài mua nhà… là cơ hội để đầu tư vào lĩnh vực này” - ông Toshihiko Muneyoshi nói.

Nhu cầu tăng

Công ty tư vấn, nghiên cứu thị trường CBRE vừa công bố báo cáo nhận định về sự ảnh hưởng của TPP đối với thị trường BĐS Việt Nam. “Nhờ TPP sắp tới các ngành liên quan đến BĐS như khu công nghiệp, nhà kho và ngành hậu cần có thể sẽ tăng nhất định. Đây là kết quả của việc thu hút thêm nhiều FDI. Nhu cầu đối với văn phòng, căn hộ dịch vụ, căn hộ cho thuê, căn hộ để bán… sẽ tăng cao hơn” - đại diện Công ty CBRE nhận định.

Công ty này cũng nhận định đối với đất công nghiệp và kho bãi, TPP sẽ thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là từ các nước nhập khẩu chính các sản phẩm Việt Nam như Mỹ và Nhật Bản. Cùng với đó, việc Chính phủ cho phép người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam kể từ ngày 1-7 sẽ mở ra cơ hội cho nhiều khách hàng nước ngoài sở hữu một căn hộ tại Việt Nam thay vì đi thuê, đặc biệt là khi giá bán nhà ở tại Việt Nam thấp hơn đáng kể so với giá nhà trong các nước khu vực lân cận.

Nhận định về xu thế thị trường BĐS trong thời gian tới, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho rằng lĩnh vực này sẽ tiếp tục đà phục hồi từ nay cho tới cuối năm và sang năm 2016 sẽ phát triển mạnh hơn ở các phân khúc thị trường, kể cả BĐS thương mại, du lịch, văn phòng cho thuê. Riêng BĐS nhà ở sẽ phát triển tại các phân khúc bình dân, trung cấp, cao cấp.

Riêng về giá đất, nhiều chuyên gia cho rằng còn quá sớm để kết luận về khả năng tăng giá đất nhờ TPP nhưng việc nhu cầu tăng đối với đất công nghiệp và nguồn cung hạn chế của đất tiêu chuẩn là hai yếu tố sẽ khiến giá đất thay đổi. Trong đó đặc biệt là ở những khu vực được săn tìm nhiều nhất bởi các nhà sản xuất hàng may mặc như Bình Dương, Đồng Nai và Long An.

Chân thành và cởi mở

Để thu hút dòng vốn ngoại đầu tư mạnh hơn vào thị trường BĐS, theo ông Lê Hoàng Châu, các doanh nghiệp cần gây dựng được uy tín thương hiệu, có nội lực thực sự và nhất là tăng cường năng lực trong lĩnh vực phân phối, bán hàng.

Ngoài ra, một yếu tố cũng vô cùng quan trọng để chiếm được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài là phải thể hiện được sự chân thành, thẳng thắn, trung thực trong quá trình đàm phán. Dẫn chứng về điều này, ông Châu cho biết lý do khiến Creed Group rót 200 triệu USD vào An Gia vì “trong quá trình đàm phán với Creed Group, An Gia đã thể hiện sự chân thành, minh bạch khi bày ra hết mọi thuận lợi, khó khăn của mình”.

 “Thay vì dùng tiểu xảo để che đi nhược điểm trong quá trình đàm phán, doanh nghiệp phải sẵn sàng đưa ra bức tranh tổng thể một cách chân thật nhất và đây cũng chính là cách “lấy điểm“ trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài” - ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc An Gia, nói.

Ông Sáng cũng nhìn nhận phần lớn nhà đầu tư ngoại đều hướng tới phân khúc dành cho người có thu nhập trung bình và khá. Bởi đó là một phân khúc rất tiềm năng và phù hợp với thu nhập của đại đa số tầng lớp cư dân trong nước.

Tuy vậy, theo một số chuyên gia BĐS, dù nhiều nhà đầu tư ngoại đang tìm kiếm cơ hội đầu tư, mua nhà tại Việt Nam nhưng một số công ty trong nước lại hết room - tỉ lệ sở hữu vốn mà nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu. Đây là điều rất đáng tiếc, vì chúng ta có thể để vuột mất cơ hội.

Tín dụng BĐS tăng mạnh

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VnRea), dẫn các số liệu cho thấy dòng tiền đang đổ mạnh vào lĩnh vực BĐS. Số dư nợ tín dụng BĐS đến nay đạt mức khoảng 360.000 tỉ đồng, quy mô vượt cả mức 310.000 tỉ đồng tại thời điểm đỉnh cao nhất của thị trường này trước năm 2009.

Cũng theo VnRea, lượng giao dịch căn hộ cao cấp chiếm khoảng 22% tổng số giao dịch, tăng so với tỉ lệ 6% trong năm 2013 và 18% trong năm 2014. Bên cạnh những dự án đang được triển khai, mới đây nhiều dự án mới chính thức mở bán khiến nguồn cung căn hộ trung và cao cấp được dự báo sẽ tăng mạnh vào dịp cuối năm nay.

Nguồn Pháp luật TP.HCM