Thứ Ba | 26/08/2014 22:16

TP.HCM xin cơ chế đặc biệt để xây cầu Rạch Chiếc

Dự án cầu Rạch Chiếc sẽ được thực hiện theo phương thức đấu thầu lựa chọn nhà thầu xây lắp ứng vốn thi công gói thầu xây lắp chính.
UBND TP.HCM vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố được tổ chức đầu tư dự án xây dựng cầu Rạch Chiếc trên đường vành đai phía Đông và đoạn đường kết nối đến đường D2 của Khu Công nghệ cao thành phố theo phương thức đấu thầu lựa chọn nhà thầu xây lắp ứng vốn thi công gói thầu xây lắp chính, ngân sách thành phố sẽ trả chậm trong hai năm.

Theo UBND TP.HCM, đây là hình thức thực hiện đầu tư tương tự như hình thức đầu tư theo Hợp đồng "Xây dựng - Chuyển giao" (BT) trả chậm nhưng chủ đầu tư dự án là cơ quan nhà nước thực hiện theo quy định quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành.

Thực hiện Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND TP.HCM đã hoàn thành đầu tư xây dựng đưa vào khai thác sử dụng được 54,7 km trong tổng số 69,2 km thuộc tuyến đường Vành đai 2 thành phố.

Trong 13,87 km còn lại, tại cửa ngõ phía Đông thành phố cần tiếp tục đầu tư xây dựng cầu vượt Rạch Chiếc và các đoạn đường kết nối đến Ngã tư Bình Thái (điểm giao với Xa lộ Hà Nội), đến đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài và đến Quốc lộ 1 (điểm cuối - Nút giao thông Gò Dưa).

Đặc biệt cần đầu tư xây dựng cầu vượt Rạch Chiếc trên tuyến đường vành đai này và đoạn đường ngắn kết nối đến đường D2 thuộc Khu Công nghệ cao thành phố ngay trong giai đoạn 2014 - 2015 để tạo trục giao thông mới, tăng năng lực giải quyết nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng của các doanh nghiệp tại khu công nghiệp, trong đó Tập đoàn điện tử Samsung (Hàn Quốc) đang chuẩn bị triển khai dự án xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện điện tử với số vốn khoảng 1,4 tỷ USD.

Bên cạnh đó, kết nối đường Vành đai 2 TP.HCM với đoạn đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã được hoàn thành tại đây theo kế hoạch đã định, không phải kết nối tạm thời thông qua đường Nguyễn Duy Trinh (đường cấp khu vực) hiện hữu đang bị quá tải như hiện nay.

Để thực hiện các dự án trên, UBND TP.HCM đã tiếp xúc với nhiều tổ chức, đối tác tín dụng với nhiều nguồn vốn khác nhau như nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển Châu Á, vốn vay thương mại của AFD, hoặc kêu gọi xã hội hóa đầu tư theo hình thức BT, PPP… nhưng cho đến nay chưa có được phương án khả thi.

Nguồn Bizlive


Sự kiện