Chủ Nhật | 27/07/2014 14:15

TPHCM: những dự án giao thông sẽ hoàn thành năm 2014

Năm 2014, với nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giảm đáng kể, các dự án công trình giao thông nào đang được ưu tiên dồn vốn để hoàn thành ở TPHCM.
Đường huyết mạch giảm ùn tắc ở cửa ngõ

Dự kiến, năm nay TPHCM sẽ có 34 công trình giao thông lớn, nhỏ được đưa vào sử dụng, trong đó có nhiều dự án được xem là huyết mạch do nối với các tỉnh lân cận nhằm giúp giải tỏa áp lực giao thông.

Ngay từ đầu năm 2014, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM đã dồn vốn cho các dự án đang thi công ì ạch để sớm hoàn thành tránh kéo dài gây lãng phí. Hơn nữa, năm 2014 số vốn đầu tư cho hạ tầng giảm đáng kể nên không thể đầu tư dàn trải.

Trong số các công trình dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm, đầu tiên phải kể đến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (nay là đường Phạm Văn Đồng) - tuyến đường nội đô rộng nhất TPHCM, rộng 30-60 mét tương đương 6-12 làn xe, dài 13,7 ki lô mét. Dự án có điểm đầu tại nút giao Trường Sơn (gần sân bay Tân Sơn Nhất) đi qua ngã năm Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp rồi vượt sông Sài Gòn và kết thúc tại nút giao Linh Xuân, quận Thủ Đức để nối vào quốc lộ 1A. Dự án có tổng mức đầu tư là 340 triệu đô la Mỹ do tập đoàn GS của Hàn Quốc làm chủ đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).

Đây là tuyến đường huyết mạch của thành phố nên theo tính toán của Sở GTVT, khoảng 40% lượng xe đi từ Bình Dương vào nội thành TPHCM sẽ đi bằng tuyến đường này. Vì vậy tình trạng ùn tắc ở trước bến xe miền Đông và giao lộ đường Đinh Bộ Lĩnh với đường Bạch Đằng sẽ được giảm bớt.

Sau khi được hoàn thành, đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài sẽ kết nối trung tâm thành phố với các khu đô thị vệ tinh xung quanh và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai. Giai đoạn 2 của dự án, từ Bình Triệu đến nút giao Linh Xuân, Thủ Đức sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.

Hai dự án huyết mạch khác nằm ở cửa ngõ phía Tây của thành phố là tỉnh lộ 10 và 10B, cho dù đã chậm trễ nhiều năm nhưng cũng sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Dự án mở rộng tỉnh lộ 10 từ cầu Tân Tạo, huyện Bình Chánh đến cầu Xáng, giáp ranh tỉnh Long An dài hơn 8 ki lô mét, được khởi công từ cuối năm 2008, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2009. Tuy nhiên, đến nay vẫn thi công cầm chừng do không có mặt bằng.

Còn dự án tỉnh lộ 10B dài gần 6 ki lô mét từ đường Tên Lửa (quận Bình Tân) rồi nối với tỉnh lộ 10 tạo thành một trục giao thông chính nối trung tâm TPHCM với tỉnh Long An và các tỉnh miền Tây Nam bộ. Đồng thời, kết nối các khu công nghiệp ở huyện Đức Hòa, Đức Huệ (Long An) với khu công nghiệp Lê Minh Xuân, Tân Tạo và các khu dân cư thuộc huyện Bình Chánh, quận Bình Tân (TPHCM).

Ông Bùi Xuân Cường, Phó giám đốc Sở GTVT, cho biết đây là hai dự án trọng điểm của thành phố nên được ưu tiên bố trí vốn và cả cơ chế đền bù giải tỏa mặt bằng để hoàn thành dứt điểm vào cuối năm nay. Khi hoàn thành hai dự án tỉnh lộ 10 và 10B sẽ giảm tải cho quốc lộ 1A đoạn qua huyện Bình Chánh. Đồng thời, sẽ rút ngắn được thời gian vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ giữa các khu công nghiệp ở TPHCM với Long An.

Một dự án huyết mạch khác là dự án mở rộng đường Phạm Văn Bạch, dài 5,7 ki lô mét để tạo thành trục giao thông kết nối đường Trường Chinh (Tân Bình) với Quang Trung (Gò Vấp) nhằm giảm áp lực giao thông trên đường Phan Huy Ích, Nguyễn Văn Quá, quận 12... Theo kế hoạch, dự án này sẽ hoàn thành vào tháng 12-2014.

Dự án nhỏ hiệu quả lớn

Theo đánh giá của Sở GTVT, bên cạnh các công trình kể trên, một số công trình dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2014 tuy có quy mô không lớn nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến việc đi lại của người dân.

Cụ thể trong số này là cầu Kinh (Thanh Đa) được xếp vào tốp những dự án trọng điểm của thành phố. Bởi đây là cây cầu duy nhất dẫn từ trung tâm sang bán đảo Thanh Đa. Dù cây cầu này chỉ dài 700 mét (phần cầu dài 325 mét) nhưng nếu không có cầu Kinh thì toàn bộ bán đảo Thanh Đa sẽ bị cô lập với các quận khác của thành phố. Theo quy hoạch bán đảo Thanh Đa sẽ là khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Vì vậy, khi cầu được khánh thành vào tháng 12-2014 sẽ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của thành phố.

Một dự án khác là nút giao trước cổng Đại học Quốc gia TPHCM, quận Thủ Đức. Công trình này dài hơn 1,8 ki lô mét, từ cổng khu du lịch Suối Tiên đến gần cầu Đồng Nai. Các hạng mục xây dựng gồm tám làn xe chính; hai cầu vượt dành cho xe máy và ô tô; hai cầu vượt dành cho người đi bộ. Ngoài ra, còn có hai đường song hành hai bên tuyến gồm ba làn xe.

Theo kế hoạch trước đây, dự án sẽ được thi công trong bốn năm và hoàn thành vào năm 2012, tuy nhiên do chưa có mặt bằng nên đến nay chỉ mới thi công gói thầu xây dựng đường song hành hai bên. Dự kiến, đường song hành hai bên sẽ hoàn thành vào tháng 12 tới nhằm giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên xa lộ Hà Nội, nhất là đoạn qua khu du lịch Suối Tiên và đoạn trước cổng Đại học Quốc gia TPHCM.

Ngoài ra, còn một số dự án khác như xây dựng đường nối từ đường Thái Văn Lung đến đường Tôn Đức Thắng, quận 1 nhằm giảm lượng xe đang dồn quá nhiều vào đường Tôn Đức Thắng; sửa chữa quốc lộ 50 tạo thuận lợi cho việc đi lại giữa Tiền Giang và TPHCM; sửa chữa nâng cấp 10 cầu trên tỉnh lộ 9, huyện Củ Chi... cũng sẽ hoàn thành trong những tháng tới.

Đa phần các dự án nói trên là những dự án đã chậm nhiều năm nay, làm đội hàng trăm tỉ đồng. Đơn cử, như dự án đường Phạm Văn Bạch tăng vốn từ 275 tỉ lên thành 680 tỉ đồng; nút giao Đại học Quốc gia TPHCM tăng từ hơn 200 tỉ thành 465 tỉ đồng; dự án tỉnh lộ 10B từ 350 tỉ tăng lên 550 tỉ đồng...

Và không chỉ đội vốn, các công trình còn gây ra nhiều hệ lụy khác, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân. Với việc dồn vốn cho các công trình trọng điểm của thành phố trong năm nay, hy vọng đầu năm sau hệ thống giao thông của thành phố sẽ có nhiều thay đổi tích cực.

a

Nguồn TBKTSG


Sự kiện