TPHCM: Đua nhau xin chuyển sang nhà ở xã hội
Xin chuyển sang nhà ở xã hội hiện nay như là một cứu cánh của các doanh nghiệp bất động sản khó khăn tài chính đang hướng đến để giải quyết tình trạng ế ẩm. Bởi khi được chuyển sang dự án nhà ở xã hội, chủ đầu tư sẽ nhận được nhiều ưu đãi cũng như tài chính từ ngân sách nhà nước để tiếp tục hoàn thiện dự án.
Theo thống kê của UBND TP, đến cuối năm 2012 thành phố còn tồn khoảng gần 14.500 căn hộ và hớn 300.000m2 đất nền, ước tính trị giá hơn 30.000 tỷ đồng. Ngoài ra, do khó khăn về tài chính mà rất nhiều doanh nghiệp phải hoãn tiến độ triển khai dự án, thậm chí là đang triển khai phải dừng hẳn.
Qua khảo sát sơ bộ của UBND TP thì trên địa bàn thành phố có đến 279 dự án chậm triển khai với quy mô 2.740 ha đất, 84.000 căn hộ và 37 dự dán đang tạm dừng với quy mô 394 ha đất, 7.760 căn hộ. Hầu hết chủ đầu tư các dự án này đều mong mỏi được chuyển dự án của mình sang nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, để đảm bảo dự án được chuyển đổi sang nhà ở xã hội phù hợp với nhu cầu của người mua, Sở Xây dựng TPHCM đề ra nhiều tiêu chí bắt buộc khi dự án muốn chuyển đổi như: giá cơ sở (không bao gồm tiền sử dụng đất) không vượt quá 12 triệu đồng/m2, lợi nhuận định mức được cộng vào giá bán không vượt quá 5% tổng vốn đầu tư…
Dù vậy vẫn có rất nhiều dự án đua nhau xin được chuyển đổi với tổng số lên đến gần 10.000 căn hộ như khu nhà ở Việt Liên Á (Bình Chánh), khu dân cư Hưng Điền (quận 8), khu căn hộ 584 Tân Kiên (Bình Chánh)...
Cho chuyển nhưng chủ đầu tư tự bán
Theo báo cáo của UBND TP thì trước thời điểm năm 2013, TPHCM đã bắt đầu thực hiện chính sách sử dụng ngân sách để mua nhà ở thương mại có diện tích phù hợp để làm nhà ở xã hội, nhà tái định cư nhằm giúp giải quyết khó khăn của thị trường bất động sản thành phố. Cụ thể, tính đến cuối năm 2012 thành phố đã chấp thuận chủ trương mua lại 500 căn nhà ở xã hội và với giá trị khoảng 340 tỷ đồng và đã mua 15.441 căn hộ chung cư, nền đất với giá trị hơn 9.550 tỷ đồng để bố trí tái định cư.
Để mở rộng mô hình này, UBND TP đã giao Sở Xây dựng hoàn chỉnh Kế hoạch tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản TP kết hợp với các chương trình phát triển nhà ở đang được triển khai trên địa bàn TP đến năm 2015. Theo đó, Ban chỉ đạo Chính sách nhà ở và thị trường bất động sản sẽ triển khai thí điểm việc chuyển đổi công năng từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội tại một số dự án sau khi kế hoạch này được duyệt.
Tuy nhiên, vì ngân sách thành phố có hạn nên thành phố sẽ không sử dụng ngân sách mua lại dự án nhà thương mại để làm nhà ở xã hội mà nhà đầu tư sẽ trực tiếp ký hợp đồng bán, cho thuê, thuê mua với các đối tượng được Hội đồng cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội cấp thành phố hoặc cấp quận-huyện xét duyệt theo quy định.
Theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, ngân sách thành phố không có khả năng chi trả để mua các dự án chuyển đổi này. Ngoài ra, nếu dùng ngân sách để mua thì chỉ có thể giải quyết cho người dân thuê, thuê mua chứ không bán được trong khi tâm lý người dân luôn muốn sở hữu nhà. Nhưng nếu chủ đầu tư tự giao dịch với người dân thì họ có thể mua bán.
Ông Tuấn cho rằng: “Theo Nghị định 71/CP, nhà ở xã hội không sử dụng vốn ngân sách thì được bán. Loại hình nhà ở xã hội tại TPHCM được đầu tư bằng vốn ngoài ngân sách nên chủ trương của TP sẽ giải quyết cho các đối tượng đủ điều kiện mua”.
(Theo Dan Tri)