Với tỉ lệ hiện tại, giá nhà ở trên thu nhập hộ gia đình ở Việt Nam đang ở mức cao. Ảnh: TL.

 
Kim Anh Thứ Ba | 16/04/2024 08:17

Tốc độ hồi phục của thị trường bất động sản có thể tương đối chậm

Thị trường bất động sản vừa qua gặp nhiều khó khăn do mặt bằng lãi suất cao, vướng mắc pháp lý và các sự kiện liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.

Bất động sản là một lĩnh vực quan trọng, không chỉ chiếm tỉ trọng lớn trong tăng trưởng GDP mà còn tác động đến nhiều lĩnh vực khác và có mức độ lan tỏa cao đến nền kinh tế. Thị trường bất động sản trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn do mặt bằng lãi suất cao, vướng mắc pháp lý và các sự kiện liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp gây mất niềm tin nhà đầu tư. Điểm tích cực là nhiều tín hiệu khởi sắc đã xuất hiện vào cuối năm 2023. 

Theo CBRE, số lượng căn hộ bán được ở thị trường Hà Nội trong quý IV/2023 đạt 3.316 căn, 6 tháng cuối năm đạt 7.001 căn, tăng 63% so với nửa đầu năm 2023 và tăng 21% so với cùng kỳ năm trước nhờ nỗ lực của các chủ đầu tư trong việc đưa ra chính sách bán hàng ưu đãi dành cho khách mua.

 

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá thị trường bất động sản được đánh giá sẽ tiếp tục đi theo xu hướng phục hồi nhờ mặt bằng lãi suất thấp hỗ trợ các chủ đầu tư trong việc tiếp cận nguồn vốn, qua đó có thể đẩy mạnh triển khai dự án và tăng nguồn cung trên thị trường, bên cạnh đó mức lãi suất thấp đi kèm với các chính sách ưu đãi của chủ đầu tư cũng giúp cải thiện nhu cầu mua nhà. 

Về phía ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trong suốt năm 2023, vượt qua nhiều thách thức, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, ngành ngân hàng đã nỗ lực hết mình để đẩy mạnh tín dụng trong nền kinh tế, trong đó đặc biệt quan tâm đến thị trường bất động sản. Minh chứng là trong bối cảnh khó khăn nhưng dư nợ tín dụng bất động sản vẫn đạt 2.890.000 tỉ đồng, chiếm 23% tổng dư nợ của nền kinh tế. Đặc biệt, tín dụng đã chảy vào các phân khúc đang khuyến khích như nhà ở thương mại, nhà ở có nhu cầu ở thực, hạn chế vào phân khúc nghỉ dưỡng và rất quan tâm giải ngân cho lĩnh vực nhà ở xã hội.

 

Ngoài ra, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi được thông qua, các vướng mắc pháp lý sẽ từng bước được tháo gỡ. Tiến độ triển khai phân khúc nhà ở xã hội kỳ vọng sẽ cải thiện, góp phần giải quyết nhu cầu ở thật giúp cân đối lại cung cầu trên thị trường. 

Đồng thời, việc đẩy mạnh đầu tư công với các dự án lớn, các trục giao thông nối trung tâm Hà Nội và TP.HCM với các khu vực, tỉnh thành lân cận thúc đẩy giá nhà đất qua đó kích thích nhu cầu đầu tư bất động sản. 

Theo KBSV, tốc độ hồi phục của thị trường bất động sản sẽ tương đối chậm do niềm tin của nhà đầu tư chưa thể khôi phục lại sau năm 2022 đổ vỡ, mặt bằng giá vẫn neo ở mức cao, rủi ro liên quan đến đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp, cùng quan điểm thận trọng về hoạt động cho vay của các ngân hàng khi rủi ro nợ xấu vẫn hiện hữu trong khi tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn bị siết lại.

 

Liên quan đến giá nhà, dữ liệu từ Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho thấy, giá nhà ở Việt Nam thể hiện qua tỉ lệ giá nhà trên thu nhập đang nằm ở mức cao. Sau khi đạt đỉnh điểm vào năm 2016-2017 do tình trạng đầu cơ bất động sản gia tăng, tỉ lệ này đã giảm xuống nhờ tăng trưởng GDP trong 5 năm tiếp theo, trước khi bắt đầu tăng dần trở lại trong hai năm vừa rồi. 

“Với tỉ lệ hiện tại, giá nhà ở trên thu nhập hộ gia đình ở Việt Nam đang ở mức cao. Nguồn cung trên thị trường sơ cấp có dạng kim tự tháp ngược, với sản phẩm tập trung về phân khúc cao cấp và đất nền do mục đích đầu cơ cao. Tuy nhiên, Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất gặp phải tình trạng mất cân đối giữa giá nhà và thu nhập hộ gia đình khi hầu hết các nước đang phát triển đều trải qua điều này. Hiện nay, Việt Nam đứng ở giữa nhóm các nước châu Á với tỉ lệ 23,7x”, Mirae Asset nhận định.

Có thể bạn quan tâm 

Đỏ mắt chờ sổ hồng