Toàn cảnh Proptech Việt Nam thế hệ 2.0 - Phần 02
Nếu như ở các lĩnh vực khác như thương mại điện tử, ứng dụng gọi xe, công nghệ chính là yếu tố quyết định thị trường, tạo lập thói quen mới cho người dùng thì ở lĩnh vực bất động sản, thế hệ Proptech Việt Nam 2.0 đang tạo một khái niệm mới đó là “thị trường định hình công nghệ”.
Triển vọng số hóa của thị trường bất động sản Việt Nam
“Việt Nam là thị trường năng động và có nhiều động lực phát triển nhất châu Á. Dân số đô thị của Việt Nam hiện nay là 44 triệu người, chiếm 45% dân số. Việt Nam có 862 đô thị. Năm 2025 dự báo dân số đô thị sẽ tăng lên 52 triệu người, chiếm 50% dân số, với khoảng 1.000 đô thị” - Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam.
Trong khi đó, bất động sản là loại hàng hóa rất đặc biệt, dịch chuyển chậm, giao dịch nhiều bước, dữ liệu thông tin nhiều, khối lượng lớn, kinh doanh, mua bán, chuyển nhượng… nhiều công đoạn với thủ tục phức tạp, do vậy rất cần chuyển đổi số nhanh.
Được thúc đẩy bởi quá trình chuyển đổi số nhanh, mạnh cùng tiềm năng phát triển của bất động sản Việt Nam, thế hệ Proptech Việt Nam 2.0 bùng nổ với hàng loạt Startup tham gia vào các hoạt động trong chuỗi giá trị bất động sản. Không chỉ có tin đăng, rao vặt, Proptech còn giải quyết vấn đề quản lý, vận hành bất động sản, đầu tư và cho thuê, dịch vụ môi giới, chia sẻ không gian và cả tài chính bất động sản…
Theo JLL và Tech in Asia, Proptech Việt Nam là thị trường giàu triển vọng trong làn sóng đầu tư vào Startup công nghệ tại Đông Nam Á và toàn khu vực Châu Á. Các Proptech tại Đông Nam Á đã huy động được tổng cộng 72,9 triệu USD nguồn vốn đầu tư cũng như dẫn đầu về số lượng với 11 trên tổng số 38 thương vụ trong năm 2019 tại Châu Á. Trong năm 2021, các Startup Proptech Việt Nam gây sốt với thương vụ 30 triệu USD của Homebase và 10,2 triệu USD của Rever. Trước đó, Propzy cũng đã gọi vốn thành công 25 triệu USD.
Crunchbase dự báo rằng trong năm 2022, các Startup Proptech sẽ tiếp tục được săn đón và đầu tư mạnh vào các công nghệ giao dịch dành cho môi giới, nền tảng quản lý bất động sản cũng như giải pháp đầu tư trực tuyến.
Nguồn: NCĐT tổng hợp. |
Việc thu hút vốn đầu tư đến hàng chục triệu USD phần nào minh chứng cho tính hiệu quả của mô hình Proptech tại Việt Nam. Tuy nhiên, với một thị trường mà chuyển đổi số đang ở trong những bước đầu như bất động sản thì vốn đầu tư và công nghệ thôi chưa đủ. “Các công ty Proptech cần phải tham gia sâu vào quá trình giao dịch địa ốc cũng như cung cấp giải pháp hiệu quả cho cộng đồng dịch vụ, môi giới bất động sản” - Theo ông Dương Hoàng Anh Nguyên, cựu đồng sáng lập và CEO của DiaocOnline.vn chia sẻ từ những đúc kết sau thời kỳ Proptech 1.0.
Proptech 2.0: Công nghệ dành cho ai?
Dù là công nghệ hay truyền thống, các giải pháp cũng đang phục vụ cho những nhu cầu của các đối tượng tham gia trên thị trường bất động sản. Trong đó hai đối tượng tiêu biểu nhất chính là nhà môi giới và khách hàng. Và hoạt động quan trọng cần được hỗ trợ cho nhóm đối tượng này chính là cơ hội kết nối kinh doanh, mang lại nguồn hàng, khách hàng cũng như minh bạch quá trình giao dịch.
KE Holdings - Tập đoàn dịch vụ Bất động sản Trung Quốc (sở hữu hai thương hiệu Lianjia và Beike) có vốn hóa lớn nhất thế giới sau thương vụ IPO thành công trong năm 2020 là một kiểu mẫu điển hình trong việc ứng dụng công nghệ cho nhà môi giới.
Jeffrey Towson - Chuyên gia tư vấn chiến lược chuyển đổi số tại Mỹ và Trung Quốc đã có bài phân tích về mô hình chiến lược của KE Holding như sau:
Lianjia được thành lập vào năm 2001, là một trong những công ty môi giới bất động sản lớn nhất Trung Quốc. Vào năm 2019, Lianjia đã có hơn 6.000 phòng giao dịch trên khắp Trung Quốc và hơn 120.000 nhà môi giới. Trong năm 2019, họ đã thực hiện 2,2 triệu giao dịch trên 103 thành phố.
Ở Trung Quốc, chúng ta dễ nhận thấy môi giới bất động sản ở khắp nơi, văn phòng môi giới mọc lên trên hầu hết con phố của đất nước tỉ dân này. Khi người người, nhà nhà đều làm môi giới, môi giới bất động sản trở thành một nghề vô cùng cạnh tranh và không có tính bền vững. Việc tìm kiếm khách hàng và nguồn hàng cũng rất hạn chế. Trong danh bạ khách hàng của mỗi môi giới cũng chỉ có một vài người bán hoặc một vài người mua. Họ khó có thể kết nối đến nguồn hàng hay nhóm khách hàng rộng lớn còn lại trên thị trường.
Beike, một nền tảng kỹ thuật số đã được ra mắt vào năm 2018 để giải quyết các vấn đề trên. Thông qua mạng lưới hợp tác đại lý, Beike cho phép các nhà môi giới mở rộng mạng lưới nguồn hàng, khách hàng của mình bằng cách chia sẻ thông tin và hợp tác cùng nhau. Khách hàng cũng có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin bất động sản ở các địa phương khác nhau thông qua thông tin được cung cấp bởi các đại lý/ nhà môi giới trên nền tảng Beike.
Sự thành công của KE Holdings đến từ chiến lược phát triển nền tảng kết hợp giữa offline và online dựa trên hai thương hiệu là Lianjia và Beike. Đây cũng là mô hình kiểu mẫu mà Proptech Việt Nam đang theo đuổi. Tiêu biểu có thể nhắc đến bộ “tam mã": Propzy, Rever, Houze Group.
Như chia sẻ trên TechCrunch, Propzy định hướng xây dựng nền tảng bất động sản tập trung vào thị trường giao dịch thứ cấp, đáp ứng mọi nhu cầu về bất động sản của tất cả các đối tượng khách hàng: môi giới, cung cấp giải pháp tài chính cho khách hàng mua nhà, quản lý và khai thác bất động sản ngắn - trung - dài hạn.
Đi theo một chiến lược khác, Rever đẩy mạnh phát triển công nghệ tập trung nhiều hơn vào trải nghiệm của khách hàng với nhiều công cụ và dịch vụ gia tăng giá trị như giới thiệu cho vay mua nhà, thử nội thất kỹ thuật số, giải pháp nhà thông minh. Từ đó kết hợp cùng đội ngũ môi giới chuyên nghiệp để phục vụ mọi khách hàng có nhu cầu về bất động sản.
Trong khi đó, một nhân tố mới là Houze Group đã nhận được số vốn đầu tư 2 triệu USD, tập trung kiến tạo mô hình hệ sinh thái dịch vụ bất động sản cung cấp cùng lúc nhiều giải pháp công nghệ: nền tảng kết nối kinh doanh phục vụ cộng đồng môi giới, nhà điều hành dịch vụ cho cộng đồng cư dân, nền tảng đầu tư bất động sản với dòng vốn linh hoạt phục vụ cả môi giới và khách hàng, fintech dành riêng cho bất động sản… Bên cạnh đó là hợp tác chiến lược với DKRA Vietnam tạo ra ưu thế về nguồn hàng độc quyền.
DKRA Vietnam là thương hiệu dịch vụ bất động sản hàng đầu Việt Nam với hơn 10 năm hoạt động và phát triển, cung cấp giải pháp toàn diện từ nghiên cứu thị trường, tư vấn đầu tư, tiếp thị và phân phối, quản lý và vận hành bất động sản… DKRA Vietnam hiện là đối tác với nhiều chủ đầu tư lớn như Phát Đạt, Vạn Phúc, Kiến Á, Nam Long…
Ông Phạm Lâm - Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, một người rất tâm huyết với nghề môi giới bày tỏ quan điểm: “Công nghệ sẽ bổ trợ cho những giới hạn về địa lý, nguồn lực con người, xóa bỏ khoảng cách giữa người bán và người mua, chuyên nghiệp hóa cộng đồng môi giới”.
Đường đua của thế hệ Proptech 2.0 đã được kích hoạt cùng bộ “tam mã” với lợi thế và chiến lược riêng biệt. Ai sẽ thống lĩnh cuộc chơi? (Ảnh: nguồn Rever.vn, Propzy.vn, Houze.group) |
Theo nghiên cứu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, quy mô thị trường bất động sản Việt Nam sẽ đạt 1.232 tỉ USD, chiếm 22% tổng tài sản nền kinh tế vào năm 2030. Đây là thỏi nam châm thu hút kích hoạt cuộc đua ngay thời điểm hiện tại và các bên Proptech đang ra sức tìm cách chứng minh tính hiệu quả bằng cách tiếp cận riêng. Và thời gian sẽ là câu trả lời chính xác nhất.
Đường đua Proptech 2.0 tiếp theo sẽ như thế nào, đón đọc ở phần 3: vốn đầu tư, công nghệ hay kinh nghiệm thị trường sẽ chiếm ưu thế trong “chảo lửa” Proptech?
Xem lại: Chặng đường 15 năm khát vọng của Proptech Việt Nam thế hệ 1.0