Thứ Năm | 13/09/2012 13:40

"Tiếp tục giảm giá là lối thoát cho thị trường bất động sản"

Thị trường đang thuộc về khách hàng có nhu cầu thực, nên chủ đầu tư phải giảm giá đến một điểm cân bằng giữa cung và cầu thì mới bán được.
Bình luận về thời kỳ đóng băng của thị trường địa ốc kể từ cuối năm 2010 đến nay, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp hoạt động thiếu chuyên nghiệp, không có tầm nhìn dài hạn, trong khi các cơ quan quản lý nhà nước lại thiếu những định hướng chiến lược để thị trường phát triển hiệu quả.

Ông Võ cho rằng, giai đoạn thị trường sôi động, với quan điểm cứ có nhà là bán được, doanh nghiệp sẽ thiết kế dự án sao cho to đẹp để thu hút khách. Cơ quan quản lý nhà nước khi phê duyệt quy hoạch dự án cũng chỉ căn cứ vào hồ sơ do chủ đầu tư trình, vì cũng chẳng có một căn cứ nào để điều chỉnh diện tích căn hộ to lên hay nhỏ đi cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

Đến lượt khách hàng, chủ yếu là những nhà đầu cơ nên có tâm lý “của mua là của được”, kể cả chấp nhận tiền “chênh”, miễn sao mua được là có lãi ngay, nên cũng ít người để ý đến căn hộ to hay bé.

Khi nền kinh tế suy thoái, thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng và dẫn đến tình trạng “đóng băng”. Lúc đó nhiều người mới giật mình nhìn lại và chợt nhận ra rằng, thị trường bất động sản trong một thời gian dài đã phát triển quá “nóng” và bị méo mó, trái với quy luật cung - cầu.

Trong khi doanh nghiệp chỉ làm cái mình có nên không bán được, thì khách hàng có nhu cầu thực sự mua nhà để ở lại không thể mua được cái mình cần do giá cả đã bị đẩy lên quá cao.
Giá còn giảm nữa

Ông Võ cho rằng, để cung - cầu gặp nhau thì giá căn hộ phải tiếp tục giảm xuống. Tuy nhiên, điều này là rất khó bởi một lượng lớn căn hộ đang nằm trong tay các nhà đầu cơ. Nhóm người này có thể chấp nhận bán lỗ nếu bị sức ép nợ nần, nhưng trong nhiều trường hợp, họ có thể chuyển từ đầu cơ kiểu “lướt sóng” sang đầu tư dài hạn.

Hiện chưa có ai thống kê trên thị trường hiện có bao nhiêu sản phẩm nằm trong tay những nhà đầu cơ, nhưng nhiều người có thể suy ra khi mới đây, chủ đầu tư dự án FLC Landmark Tower (Từ Liêm, Hà Nội) đã công bố, đến thời điểm bàn giao nhà nhưng mới chỉ có 20% khách hàng đến nhận. Theo đó, trong số 80% khách hàng còn lại, nếu chỉ có một số ít khách hàng gặp khó khăn về tài chính mà không thể nhận nhà, thì số còn lại là những người không có nhu cầu ở thực.

Ông Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhận định rằng, giá căn hộ nói riêng và nhà đất dự án nói chung khó giảm thêm vì để xin được dự án, chủ đầu tư mất không ít chi phí ngoài lề, cộng với những khoản tiền đền bù giải phóng mặt bằng, tiền thuế sử dụng đất… Theo ông Liêm, những khoản chi phí không minh bạch sẽ đội giá sản phẩm, khiến các chủ đầu tư dự án khó giảm mạnh giá bán.

Trong khi đó, theo ông Võ, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, giao dịch bất động sản trầm lắng, việc giảm giá là quy luật tất yếu của thị trường. Ông Võ cho rằng, hiện thị trường hoàn toàn thuộc về khách hàng có nhu cầu thực, nên chủ đầu tư phải tiếp tục giảm giá đến một điểm cân bằng giữa cung và cầu thì mới bán được hàng.

Nguồn Tin nhanh Chứng khoán


Sự kiện