Dự án The Ritz-Carlton Residences, Bangkok.
Tiềm năng bất động sản hàng hiệu Việt: Góc nhìn từ Bangkok
Từ đầu năm 2021, thị trường bất động sản Việt Nam xôn xao với dự án căn hộ có giá bán cao kỷ lục là 18.000 USD/m2, tương đương 414 triệu đồng. Sự xuất hiện của loại hình căn hộ này tạo ra sự chênh lệch khá lớn về giá bán và nguồn cung trên thị trường bất động sản.
Không có gì ngạc nhiên khi nhiều người cảm thấy “chóng mặt” với mức giá bán trên, đặc biệt tại nơi mà phân khúc bất động sản hàng hiệu trong đô thị (urban branded residences) mới xuất hiện lần đầu tiên. Tại Bangkok, một thành phố nằm trong top thế giới về mức độ phát triển của loại hình nhà ở siêu sang này, giới phát triển bất động sản cũng đưa ra mức giá bán tương tự.
Bangkok: “Thủ phủ” của bất động sản hàng hiệu châu Á
Thủ đô của Thái Lan đã từ lâu được liệt kê trong nhóm 10 thành phố có nhiều dự án branded residences nhất thế giới. Chỉ trong năm 2019, thành phố đông dân thứ 3 Đông Nam Á đã có thêm 3 dự án nhà ở có thương hiệu mới, nâng tổng số dự án lên 6 vào thời điểm đó (theo thống kê của Savills).
Nằm tại vị trí đắc địa nhất ở khu trung tâm thành phố Bangkok và ven sông Chao Phraya, Four Seasons Private Residences, Banyan Tree Riverside Residences và The Residences at Mandarin Oriental Bangkok lúc đó đã trở thành những “viên ngọc” sáng chói tại xứ sở chùa vàng.
Tuy nhiên, ánh hào quang của những dự án đình đám này phần nào mờ nhạt đi sau khi tập đoàn khách sạn danh tiếng thế giới Aman Resorts International tuyên bố sẽ phát triển dự án Aman Nai Lert Bangkok, một khu nhà có thương hiệu nằm giữa một rừng các tòa nhà cao chọc trời ở thủ đô Bangkok. Dự kiến khánh thành vào năm 2023 nhưng các căn hộ bên trong dự án này đã tìm được chủ nhân một cách nhanh chóng. Bất chấp tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, ngay sau khi mở bán vào tháng 9.2020, hơn 40% số căn hộ của dự án này đã được đặt chỗ.
Bangkok có dự án bất động sản hàng hiệu đầu tiên vào năm 2011. Khi đó, dự án The Residences at The St. Regis Bangkok được phát triển với chỉ 53 căn hộ. Cũng trong năm này, dự án The Sukhothai Residences cũng được khánh thành với 196 căn hộ. Sáu năm sau, thương hiệu khách sạn danh tiếng thế giới Ritz-Carlton mới chính thức tham gia thị trường này với dự án The Ritz-Carlton Residences, Bangkok, cung cấp cho thị trường 200 căn hộ hàng hiệu để đáp ứng nhu cầu nhà ở của giới siêu giàu Thái Lan.
Thái Lan dẫn đầu ở châu Á trong lĩnh vực bất động sản hàng hiệu với khoảng 30 dự án đã và đang hình thành, riêng thành phố Bangkok có 14 dự án. Theo nhà tư vấn bất động sản Savills, ngoài vị thế dẫn đầu châu Á, Bangkok đang là thành phố có nhiều dự án bất động sản hàng hiệu thứ 5 thế giới, chỉ sau Dubai, New York, Miami và Phuket.
Vì sao bất động sản hàng hiệu lại được đón nhận một cách nồng nhiệt tại Thái Lan như vậy? Theo ông Aaron Aemi Kuvanun, chuyên gia phân tích của CBRE Thái Lan, các đại gia Thái tin rằng các thương hiệu khách sạn danh tiếng có thể đảm bảo chất lượng của dự án trong quá trình xây dựng cũng như vận hành.
Theo Báo cáo Thịnh vượng năm 2021 của Knight Frank, số người siêu giàu tại Thái Lan tăng 44% trong giai đoạn năm 2015-2020. Dự kiến trong giai đoạn năm 2020-2025, số thành viên của “câu lạc bộ” này tăng 15%. Như vậy, đến năm 2025, Thái Lan dự kiến sẽ có 1.140 người siêu giàu, cao hơn nhiều so với con số 990 trong năm 2020.
Hầu hết những người giàu và siêu giàu tại Thái Lan đều sống ở Bangkok. Ông Carlos Martinez, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn của Knight Frank Thái Lan, lý giải cho sự phát triển vượt bậc của thị trường bất động sản hàng hiệu tại Bangkok rằng thành phố này quy tụ hầu hết giới siêu giàu của Thái Lan. Chỉ trong vòng 7 năm, từ năm 2011 đến năm 2018, số người giàu tại Bangkok đã tăng gấp đôi.
Bên cạnh giới nhà giàu Thái, khách du lịch và nhu cầu sở hữu bất động sản siêu sang của người nước ngoài cũng khiến thị trường branded residences ở Bangkok sôi động. Ông Carlos Martinez dẫn kết quả khảo sát của MasterCard cho biết, Bangkok là thành phố được viếng thăm nhiều nhất trên thế giới trong nhiều năm liên tiếp.
“Người nước ngoài đóng góp một phần rất lớn vào nhu cầu nhà ở có thương hiệu ở Bangkok vì đây là thành phố được viếng thăm nhiều nhất trên thế giới. Người Thái chiếm khoảng 50-65% thị phần của phân khúc bất động sản này tại Bangkok”, ông Carlos Martinez trả lời Nhịp Cầu Đầu Tư.
Bên cạnh giới nhà giàu Thái, các dự án bất động sản hàng hiệu luôn được bán chạy nhờ vào nhu cầu mua nhà ngày càng cao của giới siêu giàu đến từ Hồng Kông, Singapore và Trung Quốc. Người nước ngoài chiếm đến 35-50% trên tổng số người mua nhà có thương hiệu tại Bangkok, theo số liệu của Knight Frank Thái Lan.
Dự án bất động sản hàng hiệu đầu tiên của châu Á xuất hiện ở Phuket năm 1988. Tuy nhiên, giới siêu giàu Thái phải chờ 23 năm mới có dự án bất động sản hàng hiệu trong đô thị đầu tiên ở Bangkok. Câu chuyện phát triển của bất động sản hàng hiệu tại Thái Lan không chỉ của riêng quốc gia này. Theo dữ liệu của Knight Frank, “có mối tương quan trực tiếp giữa sự phát triển thịnh vượng và nhu cầu cho sản phẩm bất động sản hàng hiệu” và “chúng ta đang nhìn thấy sự quan tâm mạnh mẽ của thị trường đến mô hình này từ khi sự thịnh vượng toàn cầu tăng nhanh từ năm 2000”.
Tiềm năng của thị trường branded residences ở Việt Nam còn rất lớn
Cũng như câu chuyện của thủ đô Bangkok 10 năm trước, người Việt cũng còn phân vân về giá trị của loại hình bất động sản này. Một trong những câu trả lời hợp lý nhất đó chính là việc Marriott, một thương hiệu số 1 toàn cầu, lại chọn TP.HCM là nơi để phát triển dự án bất động sản mang hiệu Marriott lớn nhất thế giới. Dự án Grand Marina, Saigon tại vị trí đắc địa ở trung tâm TP.HCM đã tạo ra sức hút rất lớn từ nhà đầu tư trong khu vực.
Bởi lẽ, Việt Nam với mức tăng trưởng kinh tế 2,91% năm 2020 được tờ South China Morning Post gọi là “ngôi sao đang lên của châu Á”. TP.HCM, địa phương đóng góp 1/4 GDP của cả nước là địa điểm lý tưởng nhất cho loại hình căn hộ này phát triển.
Theo ông Carlos Martinez, thị trường bất động sản hàng hiệu ở Bangkok phát triển mạnh nhưng cũng có một số hạn chế, gián đoạn do thiên tai và bất ổn về kinh tế, chính trị. Năm 2008, Bangkok không có dự án mới. Năm 2011, tiến độ xây dựng của một số dự án bị gián đoạn do ngập lụt. Đến năm 2013-2014, thị trường này phải trải qua một giai đoạn đầy khó khăn do khủng hoảng chính trị kéo dài. Bất chấp thiên tai, khủng hoảng chính trị, Bangkok cũng đã trở thành thành phố có nhiều dự án bất động sản thứ 5 trên thế giới.
TP.HCM cũng đang được kỳ vọng sẽ là nơi tiếp theo cho loại hình căn hộ hàng hiệu bùng nổ. Nghiên cứu của Savills cũng cho thấy Việt Nam đang giữ vị trí thứ 2 ở Đông Nam Á, sau Thái Lan, về số lượng các dự án bất động sản hàng hiệu nghỉ dưỡng sắp hình thành trong tương lai. Với kinh tế phát triển ổn định hơn Thái Lan, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của giới đầu tư nước ngoài. Năm 2020, trong khi kinh tế Thái Lan suy giảm 6,1%, GDP của Việt Nam tăng 2,91%. Năm 2020, Thái Lan kỳ vọng tăng trưởng kinh tế đạt mức 3,5%. Việt Nam lạc quan với mục tiêu tăng trưởng 6,5%.
Những tín hiệu khả quan đầu tiên
Từ khi được ra mắt, dường như cả thị trường đều theo dõi và đợi chờ sự thể hiện của loại hình này. Trong tháng 5.2021, ngay trong đợt mở bán đầu tiên, dự án Grand Marina tại Việt Nam có giá bán ngang với các dự án cao cấp hàng đầu tại Bangkok và Singapore và giao dịch thành công hàng trăm căn hộ hàng hiệu có giá trị triệu đô. Sự thành công này được lý giải với nhiều lý do.
Đây là dự án bất động sản hàng hiệu trong trung tâm đầu tiên tại Việt Nam tọa lạc tại quận 1, TP.HCM. Grand Marina, Saigon là dự án căn hộ mang thương hiệu Marriott International có quy mô lớn nhất thế giới. Với vị thế là trung tâm kinh tế của cả nước, địa phương đóng góp 1/4 GDP toàn quốc, TP.HCM là nơi tập trung một bộ phận lớn những người thành đạt, giàu có, nên đây là một trong những thị trường có nhu cầu với dòng bất động sản hàng hiệu hơn cả.
Điều này cho thấy tín hiệu lạc quan về sự phát triển kinh tế của Việt Nam và sự lớn mạnh của bất động sản so với khu vực. Từ những con số và bài học từ thế giới, tại thị trường châu Á sẽ tạo một niềm tin và tạo sức hút mạnh mẽ đối với loại hình bất động sản này.