Đối với thị trường kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉ lệ lấp đầy đạt 84%. Ảnh: Quý Hòa.

 
Nhật Anh Thứ Bảy | 18/02/2023 07:00

Tỉ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp tại Việt Nam duy trì ở mức cao

Tỉ lệ lấp đầy các khu công nghiệp duy trì ổn định trên 80%, Mirae Asset cho rằng tỉ lệ này sẽ không thay đổi nhiều trong 6 tháng đầu năm 2023.

Tuy ghi nhận mức tăng trưởng âm trong quý IV, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp cả năm 2022 vẫn tăng trưởng 9,1% doanh thu và 78,2% lợi nhuận ròng. Trong đó, các mức tăng trưởng mạnh đều được đóng góp bởi những doanh nghiệp có quỹ đất sẵn sàng cho thuê lớn như BCM, VGC, KBC, IDC. Theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset, việc ghi nhận kết quả kinh doanh bùng nổ của IDC đến từ sự điều chỉnh lại cách ghi nhận doanh thu của hoạt động khu công nghiệp. 

 

Mirae Asset cũng cho rằng có thể trong nửa đầu năm 2023, quá trình xúc tiến đầu tư có thể bị trì hoãn trong bối cảnh nền kinh tế chung toàn cầu vẫn chưa thật sự khởi sắc, tác động tiêu cực đến doanh số bán hàng của các nhà phát triển khu công nghiệp. Phần lớn doanh số trong giai đoạn này sẽ phụ thuộc vào các hợp đồng được ký kết từ trước nhưng chưa đủ điều kiện ghi nhận trong năm 2022, cũng như từ nguồn doanh thu chưa thực hiện phân bổ định kỳ đối với các doanh nghiệp chọn cách ghi nhận phân bổ doanh thu. 

Trong năm 2022, nguồn cung khu công nghiệp đã được bổ sung bởi một vài dự án đáng chú ý như: Khu công nghiệp VSIP 3 (700 hecta); Amata Long Thành (275 hecta); Việt Phát (923 hecta),... “Ngoài ra, trong năm 2022, Chính phủ cũng đã phê duyệt cho phép thành lập mới 9 khu công nghiệp với tổng diện tích công nghiệp lên đến 2.472 hecta. Chúng tôi cũng dự kiến rằng nguồn cung mới này sẽ đi vào hoạt động trong giai đoạn 2025-2026”, Mirae Asset cho hay. 

 

Theo Savills, tính đến hết năm 2022, tỉ lệ lấp đầy của khu vực kinh tế phía Bắc đạt 83% với tổng diện tích đất công nghiệp đạt 10.388 hecta. Trong đó, các khu vực như Bắc Giang, Hà Nội hầu như đã được lấp đầy, do đó dư địa tại 2 khu vực này là rất thấp.

Mirae Asset cho rằng, trong thời gian tới dòng vốn đầu tư mới sẽ tập trung vào các tỉnh sở hữu quỹ đất cho thuê lớn, trong đó nổi bật nhất là Hải Phòng nhờ vị trí địa lý đặc biệt với hạ tầng cảng biển, giao thông thuận lợi kết nối với hầu hết các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Trong giai đoạn năm 2021-2025, thành phố cảng này đang triển khai xây dựng thêm 15 khu công nghiệp với diện tích lên tới 6.700 hecta. Đối với thị trường kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉ lệ lấp đầy đạt 84%, trong đó Bình Dương và Đồng Nai là 2 địa phương có nhiều khu công nghiệp nhất cả nước với lần lượt 29 và 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động (tỉ lệ lấp đầy ghi nhận đạt trên 90%), và 2 địa phương này được biết đến như là thủ phủ công nghiệp của khu vực. 

Mirae Asset cho rằng đối với khu vực phía Nam, nguồn cung được mở mới trong thời gian tới sẽ không có quá nhiều sự đột biến với các giả định: 1) Chi phí giải phóng mặt bằng tăng cao ảnh hưởng đến lợi suất đầu tư dự án; 2) Các thủ tục pháp lý liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất cao su chậm tiến độ; 3) Việc kết nối hạ tầng chưa đồng bộ là trở ngại lớn đến việc hình thành các khu công nghiệp mới.

Có thể bạn quan tâm 

Hỗ trợ chính sách là chìa khóa gỡ rối thị trường bất động sản