ThuDuc House dồn vốn cho tăng trưởng
Chiêu mộ thêm một nguyên CEO ngân hàng vào Hội đồng Quản trị, chấp nhận IPO công ty quản lý chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, Thuduc House (TDH) đang làm nhiều cách để dồn vốn cho các dự án trong tương lai.
Gương mặt mới trong Hội đồng Quản trị đó là ông Lê Minh Tâm, thay thế cho ông Trần Bảo Toàn xin từ nhiệm. Ông Tâm có nhiều kinh nghiệm với vai trò trước đó là Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán ACBS, Tổng Giám đốc Kim Eng Việt Nam, Tổng Giám đốc Ngân hàng Hong Leong Bank Việt Nam. Với nền tảng sâu trong lĩnh vực tài chính, nhiệm vụ của ông Tâm, như chính ông chia sẻ, là đánh giá lại những tài sản không sinh lời, tối ưu hóa chi phí tài chính chủ yếu từ khoản vay ngân hàng và xây dựng các kế hoạch huy động vốn trong tương lai cho TDH.
Nhiệm vụ này ứng với lời khẳng định “Chúng ta cần nhiều vốn hơn trong thời gian tới” của ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị TDH. Thực tế, không phải chỉ ở thời điểm hiện nay, mà trong suốt năm qua, TDH đang có nhiều hoạt động tái cấu trúc tài sản để dồn vốn cho chu kỳ tăng trưởng mới.
Bối cảnh tài chính của TDH hiện nay là dòng ngân lưu trong 2 năm 2016 và 2017 ở mức âm, chủ yếu tập trung nhiều vào khoản đầu tư dự án, nhưng nguồn tiền tài trợ thì lại phần nhiều dựa vào vốn vay và phát hành thêm cổ phiếu. Vì lẽ đó, TDH không chỉ tính phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn với tỉ lệ khoảng 15% trong năm nay, Công ty đồng thời thoái vốn khỏi những khoản đầu tư tài chính, như mới đây là Ngân hàng OCB (lãi 16 tỉ đồng) hay đóng cửa công ty con ở Mỹ vào năm ngoái.
Năm 2017, TDH còn bán 1 trong 2 block ở dự án tại Bình Chiểu. Ban lãnh đạo cho biết đã rất cân nhắc về dòng tiền và giá bán ở thời điểm đó, thị trường căn hộ chưa nóng như bây giờ, xây lên thì sẽ bị thua lỗ. “Bán dự án là việc bất đắc dĩ, nhưng cũng là cơ hội khi Công ty có tiền ngay để mua các dự án khác”, ông Hiếu nói.
Mặt khác, TDH cũng tiến hành cổ phần hóa Công ty Quản lý và Kinh doanh Chợ Nông sản Thủ Đức, là đơn vị quản lý, khai thác và kinh doanh Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức. Vốn điều lệ của Công ty khoảng 37 tỉ đồng, số cổ phần bán ra tương ứng tỉ lệ 51%, chỉ bán cho cán bộ công nhân viên và giá bán theo kết quả định giá độc lập và không ưu đãi. Chủ trương này đã được thông qua và chỉ còn chờ cổ đông nộp tiền về mua cổ phần. Theo ông Hiếu, bằng cách này, Công ty vừa có tiền, vừa vẫn giữ quyền kiểm soát công trình mang tính biểu tượng của quận.
Chợ Thủ đức đã đóng góp đáng kể vào doanh thu của TDH. Năm ngoái, doanh thu thuần từ kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức đạt 296 tỉ đồng, tăng tới 50% nhờ điều chỉnh tăng giá cho thuê các ô vựa. Thêm nữa, doanh thu thuần từ mảng kinh doanh xuất nhập khẩu cũng tăng 44% so với cùng kỳ, nhờ TDH mở rộng thêm hoạt động xuất khẩu linh kiện điện tử mang lại giá trị lớn, bên cạnh các mặt hàng xuất khẩu cũ, đại diện Công ty cho biết.
Chính lãnh đạo TDH cũng thừa nhận công ty quản lý chợ và các hoạt động thương mại mang lại dòng tiền đều đặn đã trợ giúp cho TDH thoát khỏi thời kỳ chìm lắng của thị trường bất động sản trong thời gian qua. Công ty cũng dự định đầu tư khai thác mỏ cát trắng ở tỉnh Quảng Trị, có thể ghi nhận lợi nhuận ngay trong năm nay.
Trên thực tế, không chỉ TDH mà hầu như mọi doanh nghiệp bất động sản đều bước vào cuộc đua gọi vốn để đảm bảo dòng tiền, thậm chí còn khốc liệt hơn. Chẳng hạn, một doanh nghiệp khác là Tập đoàn Đất Xanh (DXG) có nhiều dự án phân khúc đa dạng tương tự với TDH, dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ 3.032 tỉ đồng lên 3.850,5 tỉ đồng thông qua phát hành để trả cổ tức và chương trình bán cổ phiếu cho người lao động (ESOP).
Trong khi đó, Nam Long lên kế hoạch chào bán ra công chúng theo hình thức bán đấu giá số cổ phần tối đa có thể lên đến 21,2% cổ phần hiện hữu để tăng vốn điều lệ. Hay Novaland công bố huy động thành công khoản 160 triệu USD từ việc phát hành trái phiếu chuyển đổi quốc tế trên Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore (SGX).
Cuộc chiến quỹ đất cũng không kém phần khốc liệt. Năm ngoái, DXG cho biết tổng giá trị M&A mà công ty này thực hiện lên tới hơn 1.200 tỉ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, DXG sở hữu hơn 1.000ha, đủ để phát triển trong 5 năm tới, Tập đoàn cho biết. DXG cũng đặt tham vọng phát triển con số này lên 2.000ha trong năm nay. Tại Đại hội cổ đông thường niên vừa qua, đại diện Nam Long cũng cho biết Nam Long còn 399ha đất dự trữ và tiếp tục tăng thêm trong tương lai.
Cùng với các chiến lược mới cơ cấu lại tài sản, uớc tính trong năm nay, TDH có thể cần đến 1.500 tỉ đồng để phát triển quỹ đất mới. “Quỹ đất của Công ty hiện vào khoảng 50ha, đủ để phát triển trong vòng 5 năm tới”, ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng, Tổng Giám đốc TDH, cho biết. Dù vậy, mục tiêu của TDH là đưa bất động sản chiếm 60% cơ cấu doanh thu từ mức 20% hiện nay. Để đạt mục tiêu này, điều đầu tiên không chỉ có tiền, mà quan trọng hơn là quỹ đất.
TDH cũng đang đàm phán thêm quỹ đất 60ha ở tỉnh Bình Dương, hiện đang sửa lại quy chế cho nhà đầu tư, theo ông Bảo Hoàng. Ngoài phương thức xây chợ đổi đất ở Bình Dương, TDH cũng nhắm đến các tỉnh lân cận, hiện đang được thương thảo. Nhiều quỹ đất khác cũng đang trong quá trình đàm phán và Công ty cho biết chưa thể tiết lộ vào lúc này, nhưng 2 dự án sáng giá nhất là Fideco ở quận 1 và quỹ đất 29,38ha đang tiến hành thủ tục pháp lý ở Cần Giờ.
Trước đó, để giảm áp lực tài chính và tăng quỹ đất, TDH cũng bắt tay với các công ty khác để phát triển quỹ đất. Kể từ năm 2016, TDH đã ký các hợp đồng hợp tác toàn diện với một số đối tác để cùng phát triển các dự án mới như Daewon (Hàn Quốc), Tổng Công ty Phong Phú, Vinatex ITC, Tocontap, Dệt May Liên Phương, Satraseco, Fideco. Các công ty này có dự án đa dạng, phù hợp với vị thế riêng của từng dự án.
Chiến lược của TDH vẫn là lựa chọn phát triển các dự án bất động sản ở nhiều phân khúc khác nhau và ở nhiều địa phương khác như Hà Nội, Huế, Nha Trang, Đà Lạt, Long An. Riêng TP.HCM, trong năm nay, TDH tiếp tục triển khai các dự án tại quận 9 và Thủ Đức, trung tâm quận 1.