Tổng giá trị sản xuất toàn ngành xây dựng đóng góp 5,94% GDP. Ảnh: Quý Hòa

 
Khổng Hiệp Thứ Năm | 29/10/2020 07:30

Thứ hạng ngành xây dựng biến động "hậu Coteccons"?

Triển vọng và áp lực cạnh tranh đang tạo ra những biến động lớn trong ngành xây dựng.

Ngành xây dựng Việt Nam chia làm 3 nhóm: tổng thầu các công trình dân dụng - công nghiệp; xây dựng cơ sở hạ tầng; và nhà thầu các hạng mục riêng (nền, móng, điện...). Nhìn chung, chỉ nhóm thứ 2 là có triển vọng nhất do hưởng lợi từ xu hướng đầu tư công của Chính phủ. Tuy nhiên, tổng thầu dân dụng mới là nhóm có nhiều biến động đáng quan tâm trong thời gian sắp tới.

Tuy xây dựng mảng công nghiệp có lợi thế hơn nhờ dòng vốn FDI vào xây dựng nhà máy, khu công nghiệp nhưng xây dựng dân dụng chịu ảnh hưởng khá nặng bởi COVID-19 nên vẫn tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp mảng này. Có thể thấy sau 6 tháng đầu năm, doanh thu các doanh nghiệp đầu ngành như Coteccons, Hòa Bình, Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam đều giảm mạnh 25%, 40%, 36% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều năm qua, Coteccons, Hòa Bình và Ricons tạo thế chân kiềng doanh thu - lợi nhuận trong thị trường xây dựng.Coteccons hiện là công ty xây dựng hàng đầu Việt Nam với hàng loạt dự án lớn trong cả nước với vai trò tổng thầu thiết kế và thi công (D&B) - “bao thầu trọn gói” mà chỉ có những công ty có quy mô lớn mới đủ khả năng thực hiện.

Sau khi ông Nguyễn Bá Dương, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Coteccons và một số cộng sự nòng cốt rời khỏi Coteccons, thương hiệu và vị thế của doanh nghiệp này trong tương lai vẫn là một câu hỏi. Sau Đại hội cổ đông, Coteccons công bố trúng thầu thêm một số dự án, nhưng đó là những dự án đã đàm phán từ trước, không một hợp đồng mới nào được ký kết.

Riêng việc cổ phiếu CTD của Coteccons luôn được giới phân tích đánh giá cao cũng một phần do chiến lược không vay nợ ngân hàng. Dấu ấn khác là tòa nhà Landmark 81 của Việt Nam nằm trong top 10 tòa nhà cao nhất thế giới hoàn thành năm 2018, trong đó ghi nhận sự vượt trội của tổng thầu xây dựng Coteccons. 

Nhìn về quá khứ, Coteccons bắt đầu vượt mặt Hòa Bình về doanh thu từ năm 2013, cũng là năm bắt đầu chứng kiến doanh thu tăng trưởng vượt trội của Vingroup, một khách hàng lớn của Coteccons. Theo đó, khả năng nhận thầu của Coteccons trong tương lai từ Vingroup cũng là một đề tài đang gây tranh cãi.

Coteccons nằm trong số rất ít tổng thầu xây dựng có khả năng giữ giá trị hợp đồng đã ký kết (backlog) ở mức 1 tỉ USD để đảm bảo nguồn công ăn việc làm trong tương lai. Giá trị hợp đồng backlog đến hết năm 2019 ở mức 21.000 tỉ đồng theo ước tính từ Ban lãnh đạo Công ty, giảm tới 16% so với cùng kỳ năm trước.

Hòa Bình là một doanh nghiệp xây dựng có kinh nghiệm hơn 30 năm trong việc tham gia các gói thầu lớn, phức tạp và đã từng làm việc với các nhà phát triển bất động sản danh tiếng. Tiềm năng của một công ty xây dựng được chứng minh rất nhiều dựa vào các khoản phải thu và backlog của công ty đó.

Vừa qua, Hòa Bình cũng công bố backlog đạt khoảng 16.600 tỉ đồng, chỉ giảm 9% so với cùng kỳ, giảm theo xu hướng chung của ngành xây dựng nhưng con số này vẫn tốt hơn ở Coteccons rất nhiều. Ngành xây dựng dân dụng đang gặp khó khăn nên Hòa Bình đang nỗ lực mở rộng sang các thị trường nước ngoài để đa dạng hóa danh mục.

Ricons cũng vừa tách khỏi Coteccons Group để tạo cuộc chơi mới cho riêng mình. Đầu tháng 6.2020, Ricons đã thay đổi nhận dạng thương hiệu bằng cách thay Coteccons Group ở logo thành Since 2004. Đến thời điểm hiện tại, các hợp đồng đã ký và đang chạy dự kiến tạo doanh thu khoảng 6.500 tỉ đồng, giảm tới 54% so với năm ngoái.

 

Công ty này đã trúng thầu và thi công hàng loạt dự án lớn như Aqua Bay Sky Residences, River Panorama, Vinhomes Grand Park, Vinhomes Ocean Park, Verosa Park Khang Điền, SwanPark...

Theo ông Lê Miên Thụy, CEO Ricons, việc ngừng nhận thầu từ Coteccons không ảnh hưởng đến kế hoạch và định hướng của Ricons trong thời gian tới.


Ngoài ra, trong số các nhà thầu thi công, Vinaconex là doanh nghiệp “gốc” nhà nước có vị thế nổi bật hơn cả với các công trình: Sân vận động quốc gia Mỹ Đình (2001-2003), Bảo tàng Hà Nội (giá trị hợp đồng là 1.732 tỉ đồng), Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Khách sạn Hà Nội Grand Plaza.

 

Tuy nhiên, Nhà nước đã thoái hết 57,7% vốn tại Vinaconex cuối năm 2018. Do đó, khả năng nhận thầu dự án của công ty này có thể sẽ bị ảnh hưởng. Trên thực tế, doanh thu, lợi nhuận của Vinaconex từ đầu năm đến nay chịu tác động mạnh từ mảng bất động sản và thoái vốn công ty con hơn là xây dựng.

Ở góc độ khác, đây cũng sẽ là cơ hội cho các công ty nhỏ hơn tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh như Phục Hưng Holdings. Doanh thu năm 2019 của công ty này đạt hơn 3.700 tỉ đồng.

Ban lãnh đạo Công ty năm nay đề ra một loạt định hướng mới như tìm kiếm đối tác chiến lược từ Nhật, Hàn Quốc nhằm mở rộng thị trường và nâng cao năng lực quản trị, mở rộng thi công sang các công trình công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hưởng lợi từ làn sóng FDI vào Việt Nam.

Nguồn ảnh: TL
Nguồn ảnh: TL

Ngoài ra, Phục Hưng cũng có thế mạnh trong các dự án tổng thầu D&B. Sau 5 năm (2015-2019), nếu như Coteccons chỉ tăng 73% doanh thu, thì doanh thu Phục Hưng tăng gấp 3 lần, tương đương Hòa Bình. Điều đáng nói là trong khi lợi nhuận Hòa Bình chỉ tăng 390%, Phục Hưng lại tăng đến 410%.

Có thể thấy, sau giai đoạn thị trường bất động sản đóng băng năm 2009-2011, thứ hạng của các công ty trong ngành xây dựng đã có sự thay đổi. Sau đại dịch COVID-19, câu chuyện tương tự đang xảy ra, nhất là khi diễn ra sự tan rã của hệ sinh thái Coteccons Group.Những ngôi sao mới sẽ xuất hiện trong sự biến động này.