Thông xe cầu dây văng Nhật Tân, khánh thành đại lộ Võ Nguyên Giáp
Tham dự cắt băng khánh thành hai công trình trọng điểm này có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị, Bộ trưởng Bộ Đất đai - hạ tầng - giao thông - du lịch Nhật Bản, lãnh đạo các bộ, ban ngành và chính quyền địa phương...
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, Dự án cầu Nhật Tân và đường nối từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư và Bộ GTVT quyết định đầu tư bằng nguồn vốn vay của Chính phủ Nhật Bản ( thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế JICA); vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam và vốn giải phóng mặt bằng của UBND TP Hà Nội.
Dự án cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu có tổng mức đầu tư 89,943 tỷ Yên Nhật, tương đương 13.626,365 tỷ VNĐ. Tổng chiều dài của dự án là 8.930m, bao gồm: Phần cầu cầu Nhật Tân có tổng chiều dài 3.755,0m với bề rộng mặt cầu 33,2m, trong đó: Cầu chính là cầu dây văng liên tục 5 trụ tháp với tổng chiều dài 1500m, kết cấu nhịp dầm thép liên hợp bản mặt cầu Bê tông cốt thép trên nền móng vòng vây cọc ống thép (SPSP); Phần cầu dẫn là cầu dầm hộp BTCT DƯL và cầu dầm Super - T. Phần đường dẫn có tổng chiều dài 5.170m, trong đó: đường dẫn phía Bắc có chiều rộng (70¸100)m, đường dẫn phía Nam có bề rộng 64m.
Dự án có 03 nút giao, trong đó nút giao Vĩnh Ngọc là nút giao hoa thị hoàn chỉnh giữa tuyến cầu Nhật Tân và đường QL5 kéo dài. Cầu chính Nhật Tân là một trong số rất ít cầu dây văng liên tục nhiều nhịp trên thế giới, ngoài công nghệ thi công cầu dây văng nhiều nhịp, thì phần cầu chính còn áp dụng nhiều công nghệ tiến tiến lần đầu được áp dụng ở Việt Nam như công nghệ hộp neo bằng thép trên trụ tháp, hệ thống quan trắc theo dõi với nhiều thiết bị hiện đại như đo lực căng cáp văng, đo ứng suất cốt thép, dầm thép… và đặc biệt là kết cấu móng vòng vây cọc ống thép (SPSP).
Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu được thiết kế, thi công và giám sát bởi các Nhà thầu chính Nhật Bản và sự tham gia của một số Nhà thầu Việt Nam. Tư vấn thiết kế, giám sát của dự án là Liên danh Chodai-NE và TEDI. Dự án được chia thành 3 gói thầu xây lắp được khởi công từ tháng 3/2009 tại Gói thầu số 3, trong đó:
Gói thầu số 1 - Xây dựng cầu chính và cầu dẫn phía Bắc có tổng chiều dài là L= 3.080m; Nhà thầu thi công là Liên danh Công ty IIS và Công ty Sumitomo Mitsui (Nhật Bản); Giá trị hợp đồng (không bao gồm thuế VAT và nhập khẩu) là 7.723 tỷ VNĐ. Gói thầu đã hoàn thành vào tháng 10/2014.
Gói thầu số 2 – Xây dựng cầu và đường dẫn phía Nam có tổng chiều dài là L= 1.250m; Nhà thầu thi công là Liên danh Công ty Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) và Tổng Công ty VINACONEX (Việt Nam); Giá trị hợp đồng (không bao gồm thuế VAT và nhập khẩu) là 1.312 tỷ VNĐ. Ngày 25/12/2014 hoàn thành toàn bộ các khối lượng thi công chính, công tác hoàn thiện và vệ sinh công nghiệp sẽ hoàn thành vào ngày 31/12/2014.
Gói thầu số 3 - Xây dựng đường dẫn phía Bắc có tổng chiều dài gói thầu là 4.600m; Nhà thầu thi công là Công ty TNHH xây dựng Tokyu (Nhật Bản); Giá trị Hợp đồng (không bao gồm thuế VAT và nhập khẩu) là 1.838 tỷ VNĐ. Gói thầu đã hoàn thành vào tháng 5/2014.
Dự án đường nối từ sân bay quốc tế Nội Bài đến cầu Nhật Tân được đầu tư xây dựng để kết nối trung tâm thủ đô với sân bay Nội Bài, cũng là kết nối tuyến Nhật Tân - Nội Bài với tuyến Bắc Thăng Long - Nội Bài, làm giảm bớt lượng giao thông trên tuyến Bắc Thăng Long - Nội Bài.
Đồng thời đáp ứng nhu cầu kết nối giao thông trong khu vực, phục vụ chiến lược phát triển sân bay Nội Bài; Hoàn thiện đường trục chính của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông Thủ đô, tạo hình ảnh Thủ đô văn minh, hiện đại; Trực tiếp phục vụ phát triển kinh tế xã hội khu vực huyện Đông Anh và Sóc Sơn thành phố Hà Nội.
Dự án có tổng mức đầu tư 6.742 tỷ đồng. Tổng chiều dài tuyến là 12,1 km. Phần đường chính được thiết kế là theo tiêu chuẩn đường phố chính chủ yếu, vận tốc thiết kế V=80Km/h. Các đường gom được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp V, vận tốc thiết kế theo đường nội đô V=40Km/h.
Theo Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, cụm công trình này sẽ tạo diện mạo mới và là một tuyến đường động lực phát triển cho Thủ đô Hà Nội. UBND đã lập quy hoạch và kêu gọi vốn đầu tư để phát triển cụm đô thị hiện đai dọc tuyến đường.
Ông Thảo cũng cho biết là Thành phố đã quyết định đặt tên đường nối cầu Nhật Tân - nhà ga T2 Nội Bài là đường Võ Nguyên Giáp và cầu Nhật Tân là cầu Nhật Tân - cầu Hữu nghị Việt Nhật.
Nguồn Đầu tư