Thiếu chế tài đủ răn đe chủ đầu tư vi phạm
Tại buổi tọa đàm với chủ đề "Tìm kiếm giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý chung cư" do CafeLand tổ chức, ông Nguyễn Thanh Hiền, Giám đốc Công ty Luật ATIM, cho rằng hiện còn thiếu chế tài đủ mạnh để răn đe các chủ đầu tư vi phạm.
Theo ông Hiền, chuyện chủ đầu tư thế chấp dự án là bình thường vì hầu như tất cả chủ đầu tư đều vay vốn ngân hàng. Việc vừa thế chấp vay ngân hàng vừa huy động tiền thì phải tuân thủ quy định của pháp luật. Tuy nhiên vẫn có những chủ đầu tư làm sai quy định như trường hợp Harmona, ông Hiền cho biết. Vấn đề liên quan đến xử phạt hành chính hiện vẫn chưa có luật mới mà vẫn áp dụng luật cũ rất sơ xài, vị luật sư cho biết.
Đồng tình với nhận định của ông Hiền, chuyên gia kinh tế Hồ Bá Tình cho rằng phải có chế tài phạt nặng, hoặc giám sát của một tổ chức khác có thể không phải là nhà nước để tăng uy tín của dự án.
"Đó có thể là những tổ chức đứng ra tư vấn, thẩm định đối với từng chủ đầu tư, dự án để người mua nhà dựa vào làm thông tin tham khảo", ông Tình nói. Theo ông, điều này sẽ giúp thị trường minh bạch hơn, giảm rủi ro và bớt tranh chấp. Khi thị trường phát triển cao hơn thì phải cần có những tổ chức trung gian, uy tín như vậy.
Tuy vậy, với vai trò giám sát, theo ông Phan Trường Sơn, trưởng phòng phát triển nhà và thị trường BĐS Sở Xây dựng TPHCM, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm công khai các thông tin của dự án, nhất là liên quan tới các dự án có thế chấp hay sai phép hay không. Đồng thời, các ngân hàng cần phải quản lý chặt chẽ cách thức cho vay tín dụng của mình.
Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của người mua nhà, ông Tình cho rằng khi nghi ngờ về một dự án nào đó thì người mua nhà có quyền đến cơ quan quản lý để tìm hiểu dự án đó, như có đủ tiền sử dụng đất, giấy tờ… hay không.
Trường Văn