Ảnh: Voh.com.vn

 
Duyên Hà Thứ Tư | 18/12/2019 14:00

Thị trường trầm lắng, doanh nghiệp địa ốc toan tính gì trong năm 2020?

Trong bối cảnh thị trường trầm lắng, nguồn cung khan hiếm, nhiều doanh nghiệp đã có những bước đi mới để thích ứng với thị trường.

Thị trường trầm lắng trong năm 2020     

Năm 2019 được coi là một năm khó khăn của thị trường bất động sản khi các dự án bị “ách tắc, đứng hình”, nguồn cung khan hiếm, khiến giá nhà đất bị đẩy lên cao. Đồng thời, doanh nghiệp cũng khốn đốn vì chi phí vốn đội lên nhiều lần, lãi vay ngân hàng tăng và đặc biệt là bị mất cơ hội kinh doanh.

Ông Nguyễn Trần Nam, chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, từ cuối năm 2018 đến nay, thị trường bất động sản đang gặp những khó khăn nhất định và có dấu hiệu giảm sút.

Cụ thể, theo số liệu thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, trong quý III/2019, thị trường bất động sản vẫn đi theo chiều hướng giảm, nhất là Hà Nội, TP.HCM. Đơn cử, tại Hà Nội, ở phân khúc căn hộ, nếu so với quý II/2019, tổng số sản phẩm mới được chào bán ra thị trường ở quý III/2019 đã giảm hơn 2.200 căn và giảm hơn 4.000 căn so với cùng kỳ năm 2018.

Ở các tỉnh, thành lân cận với Hà Nội, dù được đánh giá như những “miền đất hứa”, nhưng nguồn cung và tỷ lệ giao dịch thành công cũng không mấy khả quan. Tại các địa bàn mới như Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên… lượng cung bất động sản cũng tương đối ít…

Trong khi đó, tại TP.HCM, trong 9 tháng đầu năm 2019 chỉ có 17 dự án hoàn thành, giảm 72% so với cả năm trước. Số lượng nhà đạt gần 12.500 căn, giảm 64% cả năm trước. 32 dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn, với tổng số gần 20.000 căn hộ, căn nhà.

Bảng tổng hợp các dự án nhà ở từ năm 2017 đến hết tháng 09/2019. Ảnh: NCĐT tổng hợp.
Nguồn cung bất động sản suy giảm mạnh trong 9 tháng đầu năm 2019. Ảnh: NCĐT tổng hợp.

Đáng chú ý, trong 9 tháng đầu năm, TP.HCM chỉ có một dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm 83%, 12 dự án được chấp thuận chủ trương, giảm khoảng 72% so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt không có dự án nhà ở nào được công nhận chủ đầu tư.

Theo dự báo của các chuyên gia, sự trầm lắng và khó khăn trên thị trường bất động sản 2019 sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2020. Do đó, các doanh nghiệp muốn tồn tại phải có những chiến lược phù hợp để thích ứng với thị trường

Doanh nghiệp địa ốc toan tính gì cho năm 2020?

Trước những khó khăn trên, các doanh nghiệp đã có nhiều hướng đi khác nhau cho năm 2020. Trong đó, hai xu hướng chính sẽ được các doanh nghiệp bất động sản tập trung mạnh mẽ trong thời gian tới là: mở rộng quỹ đất phát triển các dự án và liên kết với các doanh nghiệp có tiềm lực để tăng thêm sức mạnh cạnh tranh trên thị trường.

Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Đại Phúc Land tiết lộ, năm 2020, công ty sẽ ra mắt 2 dòng sản phẩm mới, đó là 2 block chung cư với hơn 500 căn hộ, tiếp đó sẽ ra dòng sản phẩm biệt thự siêu cao cấp với 10 căn, diện tích mỗi căn 600 m2...

 

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, Phó Tổng Giám đốc Thuduc House  tiết lộ, chiến lược của công ty là tìm kiếm quỹ đất sạch cho phát triển những dự án lớn trong 10 năm tới.

Ngoài thị trường chủ lực là TP.HCM và Hà Nội với phân khúc bất động sản được chú trọng là nhà thấp tầng, căn hộ bình dân, các tổ hợp cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, Thuduc House sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động sang các tỉnh thành lớn như Bình Dương, Cần Thơ, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai. Riêng các dự án ở các quận trung tâm TP.HCM và Hà Nội, công ty sẽ ưu tiên phát triển căn hộ dịch vụ và văn phòng cho thuê.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Khang, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư LDG  cho biết, công ty sẽ đầu tư bất động sản có giá trị tài sản trên 2 tỷ USD để nhằm thay đổi mô hình đầu tư, mô hình kinh doanh đối với các dự án vừa và nhỏ, Phát triển danh mục dự án đầu tư đảm bảo ổn định cho các năm: dự án ngắn hạn, trung hạn, dài hạn.

Cho năm 2020, LDG định hướng sản phẩm là căn hộ, đất nền, nhà phố, phố chợ và thương mại dịch vụ, tập trung phát triển quỹ đất cho các dự án đô thị tại Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Vũng Tàu, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Nội...

Cùng với việc mở rộng quỹ đất ra các tỉnh, nhiều doanh nghiệp cũng đang thực hiện bước đi mới thông qua liên kết với các đối tác để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Mới đây nhất, ngày 21/11 TTC Land đã chính thức bắt tay với Lotte E&C thông qua công ty con tại Việt Nam – Lotte Land để cùng phát triển các dự án bất động sản. Theo đó, Lotte E&C dự kiến đầu tư khoảng 100 triệu USD vào các dự án, trước mắt 22 triệu USD sẽ được "rót" vào TTC Land vào đầu năm sau.

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Phó Tổng giám đốc CBRE Việt Nam đánh giá, trong bối ảnh những quỹ đất "sạch" về pháp lý và đã bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các dự án nhà ở và thương mại tại trung tâm TP.HCM ngày càng khan hiếm, xu hướng dịch chuyển về các vùng lân cận hay liên kết phát triển là tất yếu. Điều này sẽ đem lại cơ hội và sức mạnh cho các doanh nghiệp trong năm 2020.

►Thị trường bất động sản 2020: Sóng đổ về vùng ven?

Thị trường bất động sản 2020: Doanh nghiệp chịu nhiệt kém sẽ rời bỏ cuộc chơi?

Thị trường đất nền 2019: Giao dịch giảm mạnh sau cơn sốt đất