Căn hộ vẫn tiếp tục tăng trưởng vì nhu cầu thực. Ảnh: Quý Hòa
Thị trường bất động sản tăng giá 70% trong thời gian qua là ảo
Tại hội thảo “Giá bất động sản: Thực hay ảo? Giải pháp phát triển bất động sản cho nhu cầu thực”, phần lớn các chuyên gia cho rằng cần phải xem lại thị trường bất động sản khi có mức giá tăng trưởng quá nhanh trong thời gian qua.
Cụ thể, theo ông Phan Trường Sơn, Trưởng phòng phát triển nhà, Sở Xây dựng TP.HCM, Thời gian qua có hiện tượng mốt số người dân và nhà đầu tư nhỏ lẻ chuyển hướng về quận 2, quận 9 mua nhà ở thấp tầng, riêng lẻ và đất nền khiến giá nhà đất khu vực này tăng cao.
Theo thống kê của DKRA Việt Nam cho biết giá bất động sản phân khúc đất nền tiếp tục tăng, tăng mạnh 60-70% ở một số khu vực như quận 9 hay Thủ Đức, huyện Bình Chánh. Không chỉ ở vùng ven các đô thị lớn, đất 3 đặc khu ở Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) tăng giá hàng giờ.
Theo ông Sơn, nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng và giao thông phát triển mạnh, ngoài yếu tố thu nhập tăng lên, kinh tế vĩ mô ổn định.
Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp môi giới cố tình thổi giá sản phẩm, chủ yếu khai thác yếu tố chênh lệch khi chuyển nhượng, sang tay sản phẩm. Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc bộ phận đầu tư Công ty Savills Việt Nam cho rằng giá bất động sản tăng “nóng” thời gian qua có nhiều yếu tố, nhưng trong đó có sự đẩy giá của các thành phần môi giới.
Tiến sĩ Bùi Quang Tín, Giám đốc Trường Doanh nhân Bizlight, cho rằng cần làm rõ khái niệm giá “ảo”. Đó là những thông tin không thực tế, thông tin đồn thổi không xác thực để đẩy giá đất lên nhằm kiếm chênh lệch. “Chẳng hạn một dự án 5 năm mới hoàn thành nhưng lại tung tin đồn 2 năm đã hoàn thành để tăng giá”, ông Tín cho biết.
“Tăng giá đột biến tới 70% là không đúng giá trị thực của sản phẩm, cần xem lại”, ông Sơn, Sở Xây Dựng Tp HCM nói.
Ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Phát triển kinh doanh và Marketing Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long, chia sẻ câu chuyện đi kiếm đất ở Vân Phong. Mảnh đất được rao giá 10 tỉ đồng nhưng giá thuê 5 triệu/tháng thì không có người thuê. “Mức giá này hoàn toàn không ổn. Từ những yếu tố này chúng ta có thể nhận thấy giá đất đang ảo hay thực”, ông Quang nói.
Vậy mức tăng giá bao nhiêu là phù hợp?
Đại diện Nam Long cho rằng mức giá bất động sản hợp lý gấp khoảng 5 – 7 lần thu nhập của người dân (ví dụ thu nhập một năm 300 triệu thì giá căn hộ 1,5 tỉ đồng là hợp lý). Còn theo ông Sơn, sự tăng giá của sản phẩm theo thời gian, khoảng 5-10% cùng với sự hoàn thiện của cơ sở hạ tầng là phù hợp. Theo ông Tín, mức tăng giá vượt quá mức thu nhập, hoặc giá trị lao động làm ra khoảng 15% có thể được xem là tăng nóng.
Tuy nhiên, khác biệt với đất nền, phân khúc căn hộ được cho là vẫn tiếp tục tăng trưởng vì có nhu cầu ở thực, cho dù trong những tháng đầu năm có chững lại vì nhiều yếu tố như cháy chung cư Carina.
“Ở góc độ người tiêu dùng nhu cầu ở của người dân là có thật. Hiện nay, TPHCM có khoảng 10 triệu dân, thì có 2-3 triệu là người dân ngoại tỉnh đến TPHCM sinh sống và làm việc nên có nhu cầu về nhà ở. Bên cạnh đó thì tích lũy của người dân nhiều hơn, ông Khương, Savills cho biết.
Hiện nay, TPHCM có khoảng 10 triệu dân, thì có 2-3 triệu là người dân ngoại tỉnh đến TPHCM sinh sống và làm việc, cũng như có khoảng 476.000 hộ gia đình đang sống chung có nhu cầu tạo lập chỗ ở thực, ông Sơn, đại diện Sở Xây Dựng TP.HCM cho biết.
Theo kế hoạch của Sở Xây dựng TP.HCM, trong giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm thành phố sẽ có thêm 8 triệu m2 sàn và chỉ tiêu này trong năm qua đều đạt được, đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho hay.