Ảnh: phunuonline.com.vn

 
Duyên Hà Thứ Ba | 31/12/2019 08:11

Thị trường bất động sản gặp khó, lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng mạnh

Sự trầm lắng của thị trường cùng những khó khăn trong vấn đề pháp lý, nguồn vốn khiến các doanh nghiệp bất động sản ngừng hoạt động tăng mạnh trong năm 2019.

Số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho thấy, trong năm 2019, cả nước có 138.139 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.730.173 tỷ đồng, tăng 5,2% về số doanh nghiệp và tăng 17,1% về số vốn đăng ký so với năm 2018. Trong đó, các doanh nghiệp mới thành lập tập trung ở các ngành như bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, công nghiệp chế biến chế tạo. Tuy nhiên, không có sự xuất hiện của các doạnh nghiệp bất động sản.

Đáng chú ý, trong năm 2019, số doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu nhóm ngành đăng ký tạm dừng kinh doanh. Cụ thể, có 598 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động, 686 doanh nghiệp giải thể, tăng lần lượt 36,8% và 39,4% so với năm 2018.

Đánh giá về tình sự sụt giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhìn nhận, tỷ lệ doanh nghiệp bất động sản ngừng hoạt động và giải thể gia tăng đã được dự đoán từ trước. Nguyên nhân là do những khó khăn trong vấn đề pháp lý, nguồn vốn mà các doanh nghiệp đang gặp phải. Việc rà soát pháp lý khiến tiến độ xây dựng các dự án đang chậm lại, nhiều dự án không thể triển khai được do vướng giấy phép dẫn đến công suất, sản lượng bị chậm lại, nguồn cung ra thị trường hạn chế. Trong khi đó, lãi suất ngân hàng tăng dẫn đến chi phí tài chính tăng, khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Thị trường bất động sản gặp khó, hàng loạt doanh nghiệp phá sản. Ảnh: vietnamnet.vn
Thị trường bất động sản gặp khó, hàng loạt doanh nghiệp phá sản. Ảnh: vietnamnet.vn

Số liệu thống kê từ các đơn vị nghiên cứu cho thấy, trong năm 2019, toàn quốc chỉ có 5 triệu m2 sàn xây dựng, sụt giảm gần 200% so với mức 14 triệu m2 trong năm 2018.

Theo Bộ Xây dựng, trong quý III/2019, TP.HCM chỉ có 8 dự án mới đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, trong khi Hà Nội là 22. Theo một số đơn vị nghiên cứu thị trường, nguồn cung căn hộ tại TP.HCM giảm 74% cùng kỳ năm trước và thấp nhất trong 3 năm gần đây. Nguồn cung dự án căn hộ bình dân tiếp tục khan hiếm, không có sản phẩm. Tình trạng này kéo dài từ cuối năm 2018 đến nay.

Nguyên nhân sụt giảm nguồn cung thị trường được nhận định là ảnh hưởng bởi quá trình phê duyệt pháp lý dự án, phần khác do thị trường đang bước vào giai đoạn điều chỉnh. Đáng chú ý trong năm qua, TP.HCM đã cho phép 124 dự án tạm dừng để rà soát, thanh kiểm tra, điều tra trong tổng số hơn 160 dự án được triển khai trở lại. Tuy nhiên, 124 dự án này chưa được công khai danh tính.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bộ phận tư vấn Savills cho rằng, bất động sản là lĩnh vực đầu tư đòi hỏi nguồn vốn rất lớn nên vốn là một trong những yếu tố quan trọng nhất tạo sự thành bại của các dự án bất động sản. Do đó, trong giai đoạn hiện nay, khi ngân hàng thực hiện việc siết tín dụng, các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, và việc phá sản là hoàn toàn có thể xảy ra đối với những doanh nghiệp nhỏ.

Trước đó, Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, trong 9 tháng đầu năm, số lượng dự án triển khai và hoàn thành thấp nhất trong 3 năm trở lại đây . Nhiều dự án nhà ở "đứng hình" do không thực hiện được thủ tục đầu tư xây dựng hoặc bị dừng triển khai. HoREA lo ngại doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn, có thể đối mặt nguy cơ phá sản.

►Thị trường bất động sản "đứng hình", nhiều ông lớn ngành xây dựng sa sút

TP.HCM: Thị trường BĐS "đứng hình", không có dự án nào được công nhận chủ đầu tư

Năm 2020 sẽ là một năm khó khăn với bất động sản nghỉ dưỡng?