Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao, Savills Việt Nam. Ảnh: NCĐT.
Thị trường bất động sản đã qua đáy?
Trong chương trình Landshow mới đây, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam cho biết, mình đồng tình với quan điểm khó khăn nhất của thị trường bất động sản đã đi qua vùng đáy.
Vào năm 2023, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cũng như Bộ Xây dựng và các bên liên quan giải quyết những khó khăn của thị trường bất động sản, trong đó có vấn đề về nguồn vốn để các nhà phát triển bất động sản có thể tiếp tục thực hiện các dự án.
Thứ hai, là chỉ đạo Bộ Xây dựng cũng như các bên liên quan trong việc tháo gỡ những khó khăn về mặt pháp lý của thị trường bất động sản. Chúng ta thấy rằng, đầu năm 2024 một loạt dự án đã được đưa ra thị trường. Tuy nhiên, giống như nắng hạn gặp mưa rào, thì một vài cơn mưa cũng đã giúp thị trường bình ổn trở lại. Đặc biệt là giai đoạn sau trước và Tết Nguyên đán 2024 khoảng 5 - 10 dự án ở TP.HCM đã được đưa ra chào bán và nhận được sự đón nhận của thị trường rất lớn bởi vì nhu cầu cao.
Tiến sĩ Sử Ngọc Khương cho rằng, nó đã vực dậy một phần khó khăn cho thị trường. Tuy nhiên đó chỉ điểm bắt đầu của sự phát triển. Do vậy, chúng ta cũng đang kỳ vọng thị trường và quan sát trong thời gian tới xem mức độ hồi phục của thị trường như thế nào.
Chia sẻ về những thách thức của thị trường, đặc biệt là về nguồn cung, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương cho rằng, trong thời gian qua và bối cảnh của thị trường bất động sản Việt Nam trong những năm gần đây cho thấy có nhiều yếu tố khiến nguồn cung bị hạn chế.
Thứ nhất là về quỹ đất. Việc phát triển quỹ đất ở các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội để phát triển khu đô thị luôn bài toán đau đầu của các nhà làm quy hoạch, các nhà làm chính sách và các nhà làm quản lý.
Thứ hai là những vấn đề về phê duyệt dự án hay thủ tục pháp lý để thực hiện dự án cũng gặp nhiều khó khăn.
“Thứ ba, đối với các doanh nghiệp bất động sản chúng ta phải thẳng thắn với nhau rằng nguồn vốn luôn là huyết mạch của doanh nghiệp bất động sản. Bởi vì đầu tư một dự án bất động sản tốn rất nhiều nguồn lực, trong đó nguồn lực tài chính luôn đóng một vai trò rất quan trọng đối với nhà phát triển bất động sản. Do vậy, khi có sự điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước, ngay lập tức các doanh nghiệp bất động sản, kể cả người mua cũng sẽ gặp những khó khăn”, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương chia sẻ.
Theo Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, nếu chúng ta đặt câu hỏi đúng thì chúng ta sẽ tìm được câu trả lời chính xác. Nếu chúng ta đặt câu hỏi sai thì dù câu trả lời có đúng đi chăng nữa thì nó cũng không giải quyết vấn đề.
Quỹ đất của chúng ta để quy hoạch từ đây đến 2030-2050 với dự báo dân số ở TP. HCM và Hà Nội là bài toán nhà ở rất lớn. Thứ hai, chúng ta giải quyết các thủ tục pháp lý như thế nào? Và cũng mừng rằng trong thời gian vừa qua thì Ủy ban Nhân dân Thành phố được trao quyền tự chủ cũng là khá nhiều. Tuy nhiên nó cũng còn bị hạn chế bởi luật, điều mà chúng ta phải nhìn là các nhà quản lý nhà nước cũng rất đau đầu trong việc này. Thứ ba, đâu là nguồn lực cho các doanh nghiệp phát triển bất động sản có thể thực hiện được? Hầu hết các doanh nghiệp bất động sản khi thực hiện một dự án từ lúc đi mua đất làm quy hoạch, làm các thủ tục pháp lý cho đến bán hàng là một thời gian rất dài. Do vậy, nguồn vốn, bài toán tài chính, kế hoạch tài chính luôn là điều trăn trở của các doanh nghiệp bất động sản.
“Điều mà chúng ta cần tính là đâu là nguồn lực cho các doanh nghiệp phát triển bất động sản phát triển bền vững để có nguồn cung cho thị trường, để bảo đảm giá ổn định không bị quá nóng hoặc quá lạnh. Đây là câu chuyện mà chúng ta cần phải nhìn ở nhiều góc độ khác nhau”, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Kịch bản tích cực, VN-Index có thể lên đến vùng 1.400 điểm
Nguồn Theo Landshow