Thị trường bất động sản có dấu hiệu tốt dần
Văn phòng cho thuê đang dần thoát khỏi vùng đáy của thị trường
Đến nay, giá văn phòng cho thuê tại TPHCM đã tăng 2,5% so với những tháng cuối năm 2012, đạt mức trung bình là 21,8 USD/m2/tháng. Với diễn biến này, theo nhận định của bà Dương Dung, quản lý cấp cao CBRE Việt Nam, văn phòng cho thuê đang dần thoát ra khỏi vùng đáy của thị trường.
Nay, các công ty có xu hướng chuyển ra các tòa nhà xa trung tâm, do có diện tích lớn hơn mà giá cả lại thấp hơn nhiều.
Hiện tại, ngân sách mà các công ty dành cho chi trả tiền thuê mặt bằng làm việc phổ biến từ 20-25 USD/m2/tháng. Người thuê văn phòng đang có nhiều lựa chọn ở phân khúc hạng B, đây là nguồn cung có thể đáp ứng diện tích mặt sàn với mọi mức độ rộng khác nhau.
Khách thuê văn phòng vẫn tiếp tục di chuyển từ các toà nhà giá cao sang các tòa nhà có mức giá thuê và dịch vụ hợp lý. Diện tích thuê mới trong 3 tháng qua được đánh giá là cao đạt 31.873 m2, trong khi quý IV/2012 chỉ đạt 17.133 m2.
Tuy nhiên, nguồn cầu vẫn là khách hàng hiện hữu có nhu cầu nâng cấp hoặc mở rộng, gom các văn phòng nhỏ lẻ quy về một mối, còn người đi thuê mặt bằng lần đầu rất ít. Dù diện tích thuê có tăng cao hơn nhưng phân khúc tòa nhà hạng B vẫn chịu áp lực về tỷ lệ mặt bằng để trống, do nguồn cung của các tòa nhà mới đưa vào hoạt động. Trong quý vừa qua, thị trường văn phòng đón 3 tòa nhà hạng B tham gia là Empress Tower: 26.049 m2, President Place, Pico Saigon Plaza: 11.400 m2.
Ngược lại, phân khúc hạng A tỷ lệ trống đã giảm. Hiện tại, giá thuê ở các tòa nhà văn phòng hạng sang tại TPHCM và Hà Nội đang tiến gần đến mức giá của các quốc gia lân cận, giá thuê trung bình ở mức 40 USD/m2/tháng.
Theo dự báo của CBRE Việt Nam, một số dự án chưa thể tham gia thị trường theo kế hoạch. Trong tương lai thị trường sẽ đón thêm khoảng gần 70.000 m2 với các dự án Saigon Airport Plaza (11.000 m2), Times Square (12.704 m2), Lim Tower (22.000 m2), Le Meridien (9.125 m2).
Thị trường căn hộ tăng chào bán, giao dịch tốt
Không chỉ thị trường văn phòng mà ngay cả thị trường căn hộ bán tại TPHCM cũng ấm hơn. Trong ba tháng qua, 4 dự án đã đưa ra chào bán với tổng số 784 căn hộ, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, trong đó căn hộ cao cấp chiếm 70% và 30% là phân khúc bình dân. Điều này cho thấy, các chủ đầu tư đã phần nào lấy lại niềm tin vào thị trường nên mạnh dạn tung hàng ra chào bán.
Kết quả là, các giao dịch khá tốt nhờ giá cả cạnh tranh, như tìm hiểu dự án Happy Valley tọa lạc tại Phú Mỹ Hưng dù là phân khúc cao cấp nhưng đã bán được 80%/163 căn; ở phân khúc bình dân có dự án Metro Apartment (quận 2) đã bán được 85%, dự án Nhất Lan cũng tiêu thụ được 72%. Giá chào bán đã thực tế và cạnh tranh hơn, căn hộ cao cấp ở mức 1.300 USD/m2, còn căn hộ bình dân giá đang tiến về mức 600 USD/m2.
Đối với thị trường thứ cấp, giảm giá vẫn là hiện tượng phổ biến trên thị trường. So với quý trước, phân khúc hạng sang giá đã giảm 2,2%, cao cấp giảm 0,8%, trung cấp giảm 0,1%, riêng phân khúc bình dân dẫn ổn định cả về giá lẫn nhu cầu.
CBRE Việt Nam nhận định, thử thách trên thị trường căn hộ vẫn còn nhiều. Giá trên thị trường sơ cấp khó có thể giảm nữa, nhưng thay cho giảm giá, các chủ đầu tư áp dụng chính sách thanh toán linh hoạt, quà tặng và chiết khấu.
Đã có nhiều thay đổi trên thị trường căn hộ trong phương thức bàn giao, thay vì bán và giao nhà hoàn thiện, nay chuyển sang giao nhà thô để chủ đầu tư xoay vòng nhanh đồng vốn và người mua nhà có thể thiết kế căn hộ của mình hợp ý hơn. Tuy nhiên, tài chính vẫn là thách thức lớn của thị trường căn hộ.
Cơ hội trên thị trường vẫn chưa hé, nhưng niềm tin dường như đã ổn định phần nào. Theo tìm hiểu của CBRE Việt Nam, có những nhà đầu tư sẵn sàng mua ngay một lúc 4-5 căn hộ và thanh toán bằng tiền mặt một lần để được hưởng những chính sách ưu đãi. Các nhà đầu tư đang có xu hướng mua để làm mới danh mục đầu tư, và các chủ dự án cũng đã biết định vị dự án của mình trên thị trường, nên giá trị sản phẩm đảm bảo hơn.
Một số sàn bất động sản cũng đã tranh thủ tìm kiếm và mua lại những dự án dở dang để hoàn thiện, làm mới và phân phối.
Nguồn Vneconomy