Thứ Tư | 14/05/2014 07:08

Thị trường bất động sản Bình Dương bị tê liệt

Bình Dương là địa phương có thị trường bất động sản năng động trong nhiều nắm.Nhưng trong vài tháng trở lại điều gì khiến Bình Dương đang “nóng” bỗng trở nên “lạnh”?
Đóng băng giao dịch

Ngay từ đầu năm 2014, thị trường bất động sản Bình Dương vẫn còn được giới chuyên môn kỳ vọng và dự đoán sẽ có sự đột phá trong năm nay nhờ sự kiện Bình Dương “dời đô” về trung tâm hành chính của Thành phố mới. Tuy nhiên, cũng kể từ sau khi Bình Dương chính thức “dời đô” đến nay, thị trường bất động sản Bình Dương dường như bị đóng băng về giao dịch. Những doanh nghiệp môi giới tên tuổi hàng đầu của thị trường này như Kim Oanh, Tấc Đất Tấc Vàng, Đất Xanh… hầu như không có động tĩnh gì trong việc chào bán sản phẩm ra thị trường.

Điều gì khiến thị trường Bình Dương từ sôi động bất ngờ bị đóng băng? Theo tìm hiểu củaĐầu tư Bất động sản, một trong những nguyên nhân khiến thị trường Bình Dương bị tê liệt là vào giữa tháng 3/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương có văn bản yêu cầu Tổng công ty Becamex IDC và công ty con là Becamex TDC tạm ngưng việc bán quyền sử dụng đất cho khách hàng, phải chờ khi nào đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) mới được tiếp tục kinh doanh.

Quy định này như một gáo nước lạnh dội vào thị trường bất động sản Bình Dương. Theo giới chuyên môn, quy định này là để “sửa sai” một số quy định trước đó của UBND tỉnh Bình Dương, đơn cử là Thông báo số 72/TB-UBND ngày 15/4/2013 của UBND tỉnh Bình Dương với nội dung: “Để giải quyết vướng mắc đối với việc cấp phép xây dựng công trình cho chủ đầu tư thứ cấp trong Khu liên hợp công nghiệp, dịch vụ và đô thị Bình Dương chưa có quyền sử dụng đất, chỉ có hợp đồng nguyên tắc với Becamex IDC (chủ đầu tư cấp 1), đồng ý cho phép Sở Xây dựng được ký giấy phép xây dựng tạm, đến khi chủ đầu tư cung cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng chính thức. Đối với các công trình đã khởi công xây dựng, nhưng chưa cấp giấy phép, Sở Xây dựng tạo điều kiện cấp giấy phép tạm để nhà đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ”.
Nhà đầu tư mắc cạn

Bình Dương có 220 dự án bất động sản, trong đó, theo tìm hiều của chúng tôi, phần nhiều do “họ” Becammex làm chủ đầu tư, như Becamex IJC, Becamex TDC, Becamex ITC… Trong số các công ty này, phần lớn có trọng tâm là kinh doanh bất động sản. Đơn cử như với Công ty Becamex IJC, kế hoạch kinh doanh năm 2014 đặt ra với doanh thu 1.356 tỷ đồng, trong đó, kinh doanh bất động sản đóng góp đến 1.089 tỷ đồng.

Theo giám đốc một doanh nghiệp môi giới bất động sản ở Bình Dương, địa phương này có nhiều dự án, nhưng thực sự nhu cầu về nhà ở của người dân địa phương không cao. Sự sôi động của thị trường này trong nhiều năm qua là nhờ sự tham gia của các nhà đầu tư đến từ nhiều địa phương khác, đặc biệt là TP. HCM và Hà Nội. Tuy nhiên, từ sau khi quy định tạm ngưng việc bán quyền sử dụng đất cho khách hàng, chờ đến khi nào đất có sổ đỏ, các doanh nghiệp môi giới hàng đầu ở Bình Dương cũng bị “bất động” hoàn toàn.

“Dù rất tâm huyết với thị trường bất động sản Bình Dương, nhưng chúng tôi đành phải rời bỏ thị trường này để chuyển hoạt động về địa bàn khác”, vị giám đốc này bộc bạch.

Các doanh nghiệp đầu tư bị ngưng trệ hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp môi giới rời bỏ thị trường, trong khi hàng loạt nhà đầu tư nhỏ lẻ đã bỏ tiền vào thị trường bất động sản Bình Dương trước đây bị “mắc cạn” vì không thể bán được hàng. Theo tìm hiều của chúng tôi, hiện có không ít nhà đầu tư đang rao bán sản phẩm được mua từ nhiều dự án thời gian trước đây với mức lỗ 20 - 30%, nhưng vẫn không bán được. Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản ở Bình Dương cho biết, về cơ bản, thị trường bất động sản Bình Dương vẫn có nhiều tiềm năng, nhưng có lẽ phải còn chờ thời gian dài, đợi các dự án hoàn thiện đầy đủ thủ tục pháp lý.

Nguồn Đầu tư Chứng khoán


Sự kiện