Thứ Tư | 29/10/2014 17:00

Thêm một số cơ chế đặc thù cho Dự án Khu Công nghệ cao Hòa Lạc

Một số cơ chế mới như phạm vi áp dụng dự án, đối tượng hưởng bồi thường, chính sách bồi thường, hỗ trợ về đất thực hiện giải phóng mặt bằng...
Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vừa cho phép UBND TP Hà Nội thực hiện cơ chế đặc thù trong công tác giải phóng mặt bằng của Dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép dự án trên được thực hiện cơ chế đặc thù về việc xác định mốc thời điểm thu hồi đất, chủ sử dụng đất, tài sản và hồ sơ quản lý đất đai hiện có làm căn cứ lập phương án bồi thường và việc thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát các cơ chế, chính sách nói trên với các quy định pháp luật mới được ban hành hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; đề suất bổ sung đồng bộ các cơ chế đặc thù để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Theo đó, UBND TP Hà Nội đã thực hiện rà soát và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện cơ chế đặc thù trên và một số nội dung mới. Các nội dung mới được kiến nghị như phạm vi áp dụng dự án đất dịch vụ, dự án khớp nối hạ tầng; đối tượng hưởng bồi thường, tái định cư; một số chính sách bồi thường, hỗ trợ về đất thực hiện giải phóng mặt bằng.

Xét đề nghị của UBND TP Hà Nội và ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thực hiện cơ chế đặc thù trong công tác giải phóng mặt bằng của Dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Đại học Quốc gia Hà Nội như đề nghị.

Phối cảnh Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Phối cảnh Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập năm 1998 với quy mô 1.650 ha. Đến năm 2008, quy mô diện tích được điều chỉnh còn 1.586 ha.

Dự án ĐHQGHN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013 với quy mô hơn 1.113 ha.

Hiện nay, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được khoảng 70 dự án với tổng số vốn đầu tư hơn 56 nghìn tỷ đồng trên diện tích gần 354 ha, trong đó có các dự án như Trường Đại học FPT, Khu phần mềm FPT, Trung tâm Công nghệ cao của Viettel, Trung tâm Vệ tinh quốc gia.

Việc giải phóng mặt bằng ở cả Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và ĐHQGHN mới chỉ giải phóng được 70% diện tích. Hiện số vốn còn thiếu cho cả hai dự án khoảng 7000 tỷ đồng.

Nguồn Theo DVO


Sự kiện