Trường hợp của Vạn Đạt tương tự với Tập đoàn Evergrande (Trung Quốc) thời điểm cuối năm 2020. Ảnh: Bloomberg.

 
Quỳnh Như Thứ Hai | 15/05/2023 11:22

Thêm một "ông lớn" ngành bất động sản Trung Quốc gặp khủng hoảng thanh khoản

Tập đoàn địa ốc Vạn Đạt tìm đến sự trợ giúp từ các ngân hàng Trung Quốc trước nguy cơ cạn tiền nghiêm trọng.

Hãng Bloomberg đưa tin Tập đoàn Vạn Đạt, tập đoàn phát triển bất động sản tư nhân lớn ở Trung Quốc, đang trong thời gian đàm phán với các ngân hàng lớn của Trung Quốc về việc cung cấp thêm gói vay giải cứu. Gói vay có ý nghĩa cho phép Công ty gia hạn trả nợ gốc trong bối cảnh những thách thức thanh khoản đang đè nặng lên Công ty.

Tổng Công ty Vạn Đạt đang tìm cách tái cấp vốn cho tất cả các khoản vay trong nước đến hạn trong năm nay và không phải trả nợ gốc. Theo một nguồn tin, Ngân hàng Công thương Trung Quốc là một trong những ngân hàng đang trong quá trình thảo luận cùng với Vạn Đạt từ đầu tháng 5.

Dựa theo gói chính sách nới lỏng sâu rộng đối với lĩnh vực bất động sản do chính quyền Bắc Kinh ban hành hồi tháng 11/2022, các doanh nghiệp địa ốc được phép tìm kiếm gia hạn "một cách hợp lý" khoản vay trong vòng 1 năm. Đồng nghĩa với việc các ngân hàng sẽ không phải chuyển những khoản vay của doanh nghiệp thành nợ xấu.

 

Các khoản nợ bao vây

Tập đoàn địa ốc của tỉ phú Vương Kiện Lâm (Wang Jianlin) đang tìm cách ngăn một cuộc khủng hoảng thanh khoản tiềm tàng xảy ra. Nếu không thành công hoàn thành đợt IPO (phát cổ phiếu lần đầu ra công chúng), cuộc khủng hoảng thanh khoản xảy ra là điều chắc chắn. Trong thỏa thuận trước đó với các nhà đầu tư, Vạn Đạt có thể phải mua vào 30 tỉ nhân dân tệ (4,3 tỉ USD) vốn chủ sở hữu nếu không kịp lên sàn vào tháng 12.

Hiện tại, các cuộc thảo luận của Vạn Đạt vẫn đang ở giai đoạn đầu. Chưa rõ đơn vị nào của Tập đoàn sẽ thảo luận với ngân hàng. Tuy nhiên, theo Bloomberg, Tập đoàn đã yêu cầu các công ty con đăng ký nâng hạn mức tín dụng tại ngân hàng.

Từ cuối năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã ban hành một loạt gói hỗ trợ nhằm giải cứu ngành bất động sản đang gặp khó khăn. Được biết, ngành công nghiệp bất động sản chiếm 25% nền kinh tế quốc gia. 

Nếu cuộc đàm phán về kế hoạch gia hạn trả nợ gốc với các ngân hàng thành công, gánh nặng tài chính đang đè nặng Tập đoàn Vạn Đạt sẽ nhẹ đi nhiều phần. Đến cuối năm ngoái, tính riêng đơn vị quản lý thương mại của Vạn Đạt đã gánh khoản nợ 94,4 tỉ nhân dân tệ. 16,5 tỉ nhân dân tệ trong số đó sẽ đến hạn vào năm nay. Chính quyền Bắc Kinh cũng đã có động thái nới lỏng gọng kìm sau khi lĩnh vực địa ốc chìm trong khủng hoảng.

Giới chức Trung Quốc đã phát tín hiệu thúc giục các ngân hàng nước này đồng ý cho doanh nghiệp ngành địa ốc gia hạn nợ gốc. Hành động cho thấy nỗ lực hỗ trợ những công ty tư nhân của chính phủ Trung Quốc. Năm 2022, các ngân hàng quốc gia đã cho phép 800.000 doanh nghiệp nhỏ hoãn trả nợ gốc trong khoản vay 1.440 tỉ nhân dân tệ nhằm hỗ trợ chống lại các “vết thương” do đại dịch COVID-19 tạo ra. Tuy nhiên, những nỗ lực hỗ trợ như vậy thường chỉ dành cho các doanh nghiệp nhỏ đang chịu áp lực về thanh khoản trong ngắn hạn. Vẫn còn nhiều cuộc thảo luận liệu rằng có nên mở rộng gói hỗ trợ đối với các doanh nghiệp lớn hay không.

Dời ngày IPO

Quay ở lại với Tập đoàn Vạn Đạt, đợt IPO của các công ty con còn liên quan đến những nghĩa vụ nợ khác. Với thỏa thuận từ trước, các bên cho vay được quyền yêu cầu hoàn trả toàn bộ nợ gốc và lãi đối với 3 khoản vay có kỳ hạn ở nước ngoài nếu đơn vị này không kịp hoàn thành IPO vào tháng 5. Theo một nguồn tin khác, Vạn Đạt cho biết đã nhận được sự đồng ý hoãn trả nợ từ các ngân hàng. Hiện Tập đoàn đang tìm cách dời đợt IPO sang ngày 30/11.

Không chỉ địa ốc Vạn Đạt, các nhà đầu tư cũng “đổ mồ hôi” khi đơn đăng ký niêm yết của doanh nghiệp này không được chấp thuận lần thứ 3 hồi cuối tháng 4.

Tập đoàn địa ốc Vạn Đạt đang tìm cách dời đợt IPO sang ngày 30/11. Ảnh: The Star.
Tập đoàn Địa ốc Vạn Đạt đang tìm cách dời đợt IPO sang ngày 30/11. Ảnh: The Star.

Trường hợp của Vạn Đạt tương tự với Tập đoàn Evergrande (Trung Quốc) thời điểm cuối năm 2020. Khi đó, tỉ phú Hứa Gia Ấn (Hui Ka Yan), nhà sáng lập địa ốc Evergrande Trung Quốc đã thuyết phục các nhà đầu tư từ bỏ quyền đòi khoản nợ trị giá 13 tỉ USD. Đến tháng 12/2021, Evergrande Trung Quốc chính thức vỡ nợ vì không đủ khả năng thanh toán trái phiếu. 

Một số tập đoàn khác như Kaisa Group và Sunac China cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Các vụ vỡ nợ của một loạt doanh nghiệp bất động sản đã khiến danh tiếng của thị trường Trung Quốc, trước đây được xem là thị trường lãi suất trái phiếu sôi động và sinh lợi nhất trên thế giới, sụt giảm mạnh, hãng tin Bloomberg nhận định.

Có thể bạn quan tâm:

LinkedIn thông báo đóng cửa ứng dụng tìm việc làm ở Trung Quốc, sa thải 716 nhân sự

Nguồn Bloomberg