Thanh tra kết luận hàng loạt sai phạm tại HUD
Thanh tra Chính phủ vừa có văn bản kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD). Kết quả thanh tra đã chỉ ra nhiều thiếu sót, vi phạm của HUD.
Cụ thể, HUD đã thiếu trách nhiệm trong việc quyết định đầu tư, kinh doanh dự án đô thị.
Từ năm 2011 về trước, HUD đã quyết định các dự án đầu tư vượt xa năng lực tài chính và quản trị, dẫn đến việc triển khai các dự án trì trệ, sản phẩm dở dang quá nhiều, hàng tồn kho lớn, chậm luân chuyển. Điều này đã đẩy HUD và một số đơn vị thành viên đến tình trạng khó khăn hiện nay. Cụ thể, nợ phải trả lớn, cân đối khả năng thanh toán khó khăn, nợ phải thu chậm thu hồi, doanh thu giảm mạnh, kinh doanh kém hiệu quả...
Thanh tra Chính phủ kết luận HUD đã làm trái và buông lỏng quản lý trong hoạt động ủy quyền kinh doanh dự án cho các đơn vị thành viên với quy mô lớn.
Các dự án đô thị sau khi đầu tư hạ tầng kỹ thuật, HUD không tiếp tục đầu tư công trình hoặc chuyển nhượng đất đã có hạ tầng cho nhà đầu tư thứ cấp mà ủy quyền đầu tư cho các công ty thành viên, trái Điều lệ tổ chức hoạt động và Quy chế quản lý tài chính của HUD.
Ngoài ra, HUD còn thiếu trách nhiệm đối với việc trích trước chi phí trọng yếu trong kinh doanh bất động sản vào giá vốn kinh doanh.
HUD đã hạch toán trước chi phí phải trả vào giá vốn kinh doanh hàng kỳ theo suất đầu tư m2 đất, m2 nhà phân bổ trên cơ sở Tổng mức đầu tư các dự án sai với quy định phải căn cứ chi phí phát sinh và dự toán công trình.
Trong đó, dự án Việt Hưng trích thiếu chi phí phải trả quá nhiều, dẫn đến thiếu nguồn vốn để xây dựng hoàn trả khối lượng các hạng mục công trình hạ tầng còn nợ và khối lượng giải phóng mặt bằng của dự án chưa thực hiện quá lớn, trong khi đó, sản phẩm dự án đã cơ bản kinh doanh hết. Việc xác định giá vốn sai dẫn đến xác định giá bán kinh doanh cho dự án thấp hơn mức phải thực hiện, làm giảm doanh thu và kết quả kinh doanh của HUD.
Bên cạnh đó, HUD còn để xảy ra khuyết điểm, vi phạm trong một số vấn đề về quản lý tài chính tài sản khác.
Dự án Văn Quán chưa quyết toán đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Quản lý nợ phải thu, phải trả chưa chặt chẽ. Chưa tuân thủ đầy đủ quy định trong quản lý, sử dụng tài sản cố định. Đầu tư xây dựng sai quy hoạch chi tiết được duyệt, xây dựng tăng căn hộ và diện tích sàn chung cư. Quản lý các khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp yếu kém, hiệu quả thấp.
Thâm hụt vốn trong việc đầu tư vào CTCP Xi măng Sông Thao, CTCP Phát triển Nhà Xã hội HUD.VN, Quỹ Đầu tư Việt Nam, CTCP Thép Sông Hồng. Các khoản nợ phải trả hơn 6.684 tỷ đồng. Hạch toán kinh doanh không chính xác, chi phí trích trước và chi phí dự phòng ghi nhận thiếu hơn 1.298 tỷ đồng...
Trước tình trạng nhiều vi phạm như nêu trên của HUD, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng căn cứ vào kết luận này, với trách nhiệm đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước và quản lý ngành, phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát xử lý theo thẩm quyền và pháp luật để HUD khắc phục tồn tại gắn với tái cơ cấu và xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có khuyết điểm sai phạm theo đúng pháp luật.
Được biết, giai đoạn từ ngày 28/9/2011 trở về trước, Hội đồng thành viên HUD gồm 7 thành viên, trong đó, ông Nguyễn Hiệp làm Chủ tịch, ông Nguyễn Đăng Nam làm Tổng giám đốc chịu trách nhiệm về những vi phạm trong việc quyết định đầu tư quá năng lực, đầu tư dự án BĐS và ngoài ngành không hiệu quả,...
Từ ngày 29/9/2011 đến ngày 22/11/2012, Hội đồng thành viên gồm 6 thành viên, trong đó ông Nguyễn Đăng Nam làm Chủ tịch, ông Nghiêm Văn Bang làm Tổng giám đốc chịu trách nhiệm đối với việc chưa khắc phục được khuyết điểm về quản lý vốn tài sản và đầu tư, chưa tuân thủ chặt chẽ chế độ tài chính...
Trường Văn