Thành phố Thủ Đức. Ảnh: Quý Hòa.

 
Nguyễn Sơn Thứ Ba | 12/10/2021 08:15

Thành phố Thủ Đức 1 năm nhìn lại

Thành phố Thủ Đức sẽ cần những động lực mới, nhất là các cú hích mới về chính sách.

Thành phố Thủ Đức - mô hình “Thành phố trong Thành phố” đầu tiên của cả nước - đã được 1 tuổi. Trong quãng thời gian đó, Thủ Đức đã ghi nhận một số thành tựu phát triển đáng kể, diện mạo đô thị thay đổi mạnh mẽ. Tuy nhiên, vẫn còn đó một số mặt hạn chế, đòi hỏi một chiến lược mới để nơi đây thực sự trở thành khu đô thị kiểu mẫu và hiệu quả.

Có tổng diện tích khoảng 21.000 ha, dân số hơn 1 triệu người, tương đương 1/10 diện tích và dân số của TP.HCM. Theo quy hoạch tổng quát, thành phố Thủ Đức được chia thành 6 khu vực trọng điểm, bao gồm: Trung tâm hành chính Trường Thọ, Trung tâm công nghệ cao Sài Gòn, Khu Đại học Quốc gia TP.HCM, Trung tâm Tài chính quốc tế Thủ Thiêm, Khu thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc, Khu công nghệ sinh thái Tam Đa.

 

Trải qua 1 năm hình thành, bóng dáng một siêu đô thị phía Đông ít nhiều đã lộ diện. Bộ máy nhà nước đã hoàn chỉnh dựa trên tích hợp bộ máy của 3 quận cũ. Một số cơ sở y tế được sắp xếp lại và nâng cấp lên thành các bệnh viện đa khoa.

Tiến triển về hạ tầng là điểm đáng chú ý. Cầu Thủ Thiêm 2 mới đây hợp long, dự kiến đi vào khai thác từ năm sau. Bến xe Miền Đông mới đã đưa vào vận hành trong khi tuyến vành đai 3 (đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch) dự kiến khởi công vào cuối năm nay sau khi nhận được vốn tài trợ từ đối tác Hàn Quốc.

Cầu Thủ Thiêm 2. Ảnh:
Cầu Thủ Thiêm 2. Ảnh: vtienphong.vn

Thành phố Thủ Đức đã thu hút một số tập đoàn lớn trong và ngoài nước đổ bộ như Vingroup, Masterise Group, Sơn Kim Land, Bamboo Capital trên mảng bất động sản. Đó còn là sự kiện tập đoàn công nghệ Intel rót thêm nửa tỉ USD vào nhà máy sản xuất chip tại Khu Công nghệ cao quận 9. Giá bất động sản khá nhiều khu vực tăng ấn tượng 100-200%, đi cùng với sự xuất hiện của nhiều khu dân cư, cơ sở giáo dục hiện đại.

Dù vậy, chặng đường tiến tới hình thành một trung tâm kinh tế kiểu mẫu, trở thành động lực dẫn dắt tăng trưởng cho TP.HCM vẫn còn khá xa để đạt được. Hạ tầng giao thông tuy được đầu tư mạnh mẽ thời gian qua nhưng vẫn chưa theo kịp với tốc độ đô thị hóa. Tuyến Metro số 1 - dự án trọng điểm thay đổi bức tranh giao thông công cộng khu Đông - tiếp tục lùi thời điểm hoạt động. Khoảng 10 km còn lại của đường vành đai 2 vẫn chưa thể khép kín trong khi nhiều dự án cải tạo các trục đường chính như Lương Định Của, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Xiển, Đỗ Xuân Hợp, cầu Cát Lái giậm chân tại chỗ. 

Hiện trên địa bàn thành phố Thủ Đức, tỉ lệ đất dành cho giao thông chỉ đạt 7,21%, thấp hơn nhiều so với quy chuẩn đô thị là 18%. Mật độ đường giao thông thấp, không có nhiều đường kết nối giữa Xa lộ Hà Nội và cao tốc. Vẫn còn nhiều tuyến đường hẹp, cầu yếu trong khi vấn nạn kẹt xe và ngập lụt vẫn là câu chuyện nóng.

Bên cạnh đó, các đề án đầy tham vọng như phát triển Trung tâm tài chính Thủ Thiêm, khu công nghệ cao thứ 2 Long Phước hay các trung tâm thể thao, nghỉ dưỡng sinh thái, hạ tầng cảng vẫn chưa mấy tiến triển. Sự phối hợp giữa thành phố Thủ Đức với các địa phương liền kề như Bình Dương, Đồng Nai vẫn chưa rõ ràng, khiến cho sợi dây liên kết vùng chưa phát huy rõ nét.

Có thể thấy, thành phố Thủ Đức sẽ cần những động lực mới để thúc đẩy tiến độ, nhất là cần các cú hích mới về chính sách, có tính định hướng dài hạn và một bộ máy điều hành có đủ thực quyền ra quyết định. Để giải quyết điểm yếu này, mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 1538/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM đến năm 2040. Mục tiêu là đưa thành phố Thủ Đức trở thành một trong những trung tâm kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ, tài chính quan trọng của TP.HCM và quốc gia.

 

Điểm nhấn trong chủ trương quy hoạch lần này là Thủ Đức được định hướng phát triển theo mô hình đô thị sáng tạo, tương tác cao, có vai trò là hạt nhân trong đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng số của thành phố và vùng TP.HCM. Dự kiến đến năm 2030, tổng diện tích đô thị đạt khoảng 18.830 ha và đến năm 2040 sẽ nâng lên 19.994 ha. Quy mô dân số đạt khoảng 2,2 triệu người và hướng đến 3 triệu người sau năm 2040. Quy hoạch lần này cũng khuyến khích phát triển giao thông công cộng (TOD) gắn liền với quy hoạch sử dụng đất có hiệu quả cao, bảo vệ môi trường sinh thái. Mục tiêu đến năm 2040, mật độ giao thông công cộng đạt 2,5-3 km/km2, đáp ứng 50-60% nhu cầu đi lại của người dân.

Được biết liên danh tư vấn Sasaki - enCity đang thực hiện lập đồ án quy hoạch mới thành phố Thủ Đức đến năm 2040 dựa trên các mục tiêu kể trên. Ý tưởng quy hoạch lần này dựa trên khung phát triển sơ bộ với 4 nguyên tắc quy hoạch chính, bao gồm kết nối để tạo cơ hội mới (Be connected), hệ sinh thái sáng tạo ở mọi nơi (Be ubiquitous), toàn cầu hóa đậm chất địa phương (Be glocal) và thích ứng để bền vững (Be resilient). Song song đó, website lấy ý kiến quy hoạch chung thành phố Thủ Đức cũng đã lập ra, giúp nghe ý kiến người dân và doanh nghiệp đang sinh sống, làm việc tại đây. 

Xét về tầm nhìn, thành phố Thủ Đức vẫn là trọng điểm đầu tư và là đầu tàu phát triển kinh tế của TP.HCM trong các năm tới. Bên cạnh thúc đẩy tiến độ và thu xếp vốn cho các dự án đang triển khai, Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với quy mô 8-10 làn xe. 

Về phần mình, TP.HCM đã thông qua chủ trương đầu tư xây dựng nút giao thông An Phú, thành phố Thủ Đức với quy mô 3 tầng, hầm chui 2 chiều kết nối từ cao tốc TP.HCM - Long Thành vào đường Mai Chí Thọ. Hạ tầng tiếp tục cải thiện sẽ mang tới niềm tin cho các nhà đầu tư và người dân về tương lai của thành phố Thủ Đức. “Về triển vọng, thị trường nhà ở tại TP.HCM sẽ có nhiều tiềm năng trong trung và dài hạn. Trong đó, thành phố Thủ Đức với tốc độ đô thị hóa và cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển chiếm thị phần cao nhất”, bà Giang Huỳnh, Quản lý cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu Savills TP.HCM, nhận định.