Thứ Bảy | 11/01/2014 08:21

Tăng cường quản lý nhà nước để kiểm soát thị trường BĐS

Ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) trao đổi điểm mới trong dự án Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi.

Tháng 12/2013, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi). Chính phủ đã họp bàn, cho ý kiến để hoàn thiện và dự án Luật này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp lần thứ 7 vào năm 2014. PV Báo xây dựng đã trao đổi với ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) về những điểm mới trong dự án Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi).

Là cơ quan tham mưu giúp Bộ Xây dựng nghiên cứu Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), đề nghị ông cho biết những quan điểm cơ bản trong quá trình xây dựng dự án luật?

- Dự án Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) đã được Bộ Xây dựng nghiên cứu, hoàn thiện và đã được trình Chính phủ họp bàn, cho ý kiến trong tháng 12/2013 để trình Quốc hội xem xét thông qua vào năm 2014 với những quan điểm chính như sau:

Thứ nhất, Luật phải thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh BĐS.

Trong đó phải tăng cường vai trò quản lý của nhà nước để kiểm soát thị trường, bảo đảm cho thị trường BĐS được phát triển theo đúng quy hoạch, kế hoạch, định hướng, ổn định và bền vững góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thứ hai, Luật phải tạo được môi trường pháp lý thông thoáng, bình đẳng để huy động hiệu quả các nguồn lực của xã hội tham gia vào thị trường BĐS; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và người dân tham gia hoạt động kinh doanh BĐS; tăng cường hội nhập quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực kinh doanh BĐS, trên cơ sở bảo đảm chủ quyền quốc gia, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Thứ ba, Luật phải hoàn thiện cơ cấu các chủ thể tham gia thị trường BĐS, tăng cường năng lực và nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp của các nhà môi giới, định giá, quản lý BĐS để thị trường BĐS hoạt động hiệu quả, công khai, minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường BĐS.

Cụ thể, trong dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) đã đề cập đến những nội dung mới nào trong kinh doanh BĐS, thưa ông?

- Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) bổ sung quy định đầu tư kinh doanh BĐS phải tuân thủ đúng quy hoạch và kế hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để khắc phục tình trạng đầu tư BĐS tự phát, theo phong trào, mất cân đối, lệch pha cung - cầu hàng hóa BĐS, bảo đảm cho thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, hiệu quả

Quy định cụ thể những tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS phải đăng ký kinh doanh và những trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có mua bán, cho thuê, thuê mua BĐS nhưng không phải là kinh doanh BĐS cho phù hợp thực tế và có tính khả thi

Đề xuất mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh BĐS cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài so với Luật hiện hành nhằm thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh có tính cạnh tranh cao...

Đồng thời mở rộng việc cho phép các chủ đầu tư kinh doanh BĐS được cho thuê, cho thuê mua BĐS hình thành trong tương lai, thay vì chỉ được cho thuê, cho thuê mua BĐS đã có sẵn như quy định hiện hành...

Đối với kinh doanh dịch vụ BĐS, dự thảo luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) đề cập những nội dung lớn nào?

- Về kinh doanh dịch vụ BĐS, dự thảo luật không quy định bắt buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS khi bán, cho thuê, cho thuê mua BĐS phải thông qua sàn giao dịch BĐS, mà chỉ khuyến khích thực hiện việc bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua BĐS thông qua sàn giao dịch BĐS, thông qua tổ chức, cá nhân môi giới BĐS để bảo đảm quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp và để khắc phục các tồn tại, bất cập của việc bắt buộc phải thông qua sàn giao dịch BĐS như thời gian vừa qua

Đồng thời quy định chặt chẽ về điều kiện của cá nhân được cấp chứng chỉ môi giới BĐS nhằm nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ BĐS, bảo đảm quyền lợi của các chủ thể tham gia thị trường BĐS.

Ngoài việc sửa đổi, bổ sung các nội dung chủ yếu như nêu trên, dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) còn quy định cụ thể, rõ ràng hơn về các loại nhà, công trình được đưa vào kinh doanh; quy định rõ điều kiện, hồ sơ của BĐS có sẵn và BĐS hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh; bổ sung nội dung về chuyển nhượng, cho thuê một phần diện tích đất trong dự án BĐS...

Trân trọng cảm ơn ông!

Thành Luân (thực hiện)

Nguồn Báo Xây Dựng


Sự kiện