Tầm nhìn đô thị thông minh
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos vào đầu năm, nhà sáng lập diễn đàn này là Giáo sư Klaus Schwab đã giới thiệu cuốn sách “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - 4IR”. Trong cuốn sách này, Giáo sư Klaus đưa ra động lực của 4IR do hàng loạt công nghệ tiềm năng (21 chuyển dịch sâu sắc) trong 3 nhóm xu hướng lớn: thế giới vật lý, thế giới số và thế giới sinh học. Ông cũng đưa ra sự ảnh hưởng đến kinh tế, kinh doanh, quốc gia, toàn cầu, xã hội, cá thể trong đó các đô thị và vùng sẽ trở thành động cơ chủ đạo cho phát triển kinh tế và là trung tâm cải tiến (innovation hub) với hệ sinh thái cải tiến (innovation ecosystem).
Những phiên bản thành phố thông minh
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) mới đây trình diễn mô hình VNPT Smart City tại huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang và đề xuất triển khai thử nghiệm mô hình này, biến Phú Quốc trở thành một thành phố thông minh đầu tiên trên cả nước. Đảo ngọc Phú Quốc đã có thể hình dung một tương lai rất gần sẽ có: cảm biến theo dõi mức độ ô nhiễm không khí, đo tiếng ồn; công nghệ để xây dựng giao thông thông minh; cảm biến để quản lý bãi đỗ xe; công nghệ quản lý nguồn nước; công nghệ xử lý rác thải... Một giấc mơ mà trước đây nhiều người cũng không thể hình dung được tại Việt Nam.
Trong viễn cảnh 4IR, các thành phố đang có tầm nhìn xây dựng thành phố thông minh cần có nghiên cứu, cách tân từ ngay bước đầu xây dựng khung thành phố thông minh (Smart Cities Framework) để tối đa hóa cơ hội, tối thiểu hóa nguy cơ, tận dụng được thành quả khoa học kỹ thuật hiện tại/tương lai và hiện thực hóa chiến lược/kế hoạch theo lộ trình một cách bền vững cùng thời gian.
Theo hãng nghiên cứu Gartner, các thành phố thông minh sẽ có 9,7 tỉ thiết bị Internet of Things vào năm 2020 và có nhiều công ty khai thác các cơ hội kinh doanh mới về phát triển thành phố thông minh, an ninh gia đình và chăm sóc sức khỏe. Các nhà cung cấp công nghệ tiên phong trong cách tiếp cận thành phố thông minh thường hay giới thiệu mô hình xung quanh những gì nóng nhất trong năm. Ví dụ hiện nay là nền tảng Internet of Things, Dữ liệu lớn (Big Data), giao thông thông minh... Có một chủ đề rất quan trọng mang tính quyết định xuất hiện liên tiếp ở đỉnh Hype Cycle trong liên tiếp 4 năm nay đó là thành phố thông minh.
Ý nghĩa của việc xây dựng khung thành phố thông minh là chuyển các tranh luận từ thuần thảo luận hàn lâm hoặc khó hiểu sang xây dựng chương trình hành động. Khung thành phố thông minh là một quy trình giúp các bên liên quan, các thành viên chủ đạo.
Có nhiều phiên bản thành phố thông minh khác nhau, nhưng có thể lấy ví dụ thành phố thông minh do Cisco đề nghị và đây là cách tiếp cận từ trên xuống:
1. Mục đích của thành phố: phát triển cột trụ kinh tế, xã hội, môi trường.
2. Các chỉ số của thành phố: cần có sự phù hợp với các trụ cột trong mục tiêu. Có rất nhiều thang đánh giá như GCIF, Green City Index... nhưng tập hợp các chỉ số cho mỗi thành phố là khác nhau giữa các thành phố.
3. Các thành phần của thành phố: chi tiết tài sản của đô thị thông thường là thành phần vật lý và dịch vụ mà từ đó tạo sự liên kết đến các chỉ số và mục đích của đô thị phía trên.
4. Các nội dung của thành phố: các trường hợp sử dụng, các giải pháp, các chính sách.
Trong một cách nhìn khác từ viễn cảnh Frost & Sullivan định nghĩa thành phố thông minh là những thành phố thực hiện chiến lược phát triển tổng thể, thống nhất dựa trên công nghệ và giải pháp thông minh với từ 5-8 thành phần thông minh: công dân, năng lượng thông minh, chăm sóc sức khỏe, tòa nhà, di động thông minh, cơ sở hạ tầng, công nghệ, điều hành và giáo dục.
Theo Fast Company, xếp hạng thành phố thông minh được dựa trên 6 thành phần (kinh tế, môi trường, chính phủ, sống, di động và con người). Theo đó, 10 thành phố thông minh hàng đầu ở châu Á là: Hồng Kông, Singapore, Seoul, Tokyo, Auckland, Sydney, Kuala Lumpur, Đài Bắc, Thượng Hải, Osaka.
Tầm nhìn và giấc mơ Việt Nam
Nếu quyết tâm theo đuổi một hệ thống chỉ số mang tính tiêu chuẩn thế giới hay nói cách khác là ISO cho thành phố thông minh bền vững, các đô thị có thể ngay từ bây giờ xây dựng thành phố thông minh theo ISO 37120 với hệ thống chỉ số đánh giá mang tính hệ thống, cụ thể và xuyên suốt cao (17 chủ đề, hơn 100 chỉ số đánh giá, 5 hạng từ khát vọng, đồng, bạc đến vàng...) với hơn 40 thành phố tham gia đến nay trong đó có Hải Phòng.
Tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: Sơn Phạm |
Theo dự báo của các nhà kinh tế toàn cầu, cuộc canh tranh trong 4IR sẽ diễn ra giữa các đại đô thị chứ không chỉ giữa các quốc gia để vươn lên vị trí hàng đầu về kinh tế. Theo định nghĩa đại đô thị của F&S (trên 8 triệu dân, GDP trên 250 tỉ USD vào năm 2025), vào năm 2011 có 12 đại đô thị, khoảng 35 đại đô thị vào năm 2025. TP.HCM với hơn 8 triệu dân, GDP 44,3 tỉ USD năm 2015, đóng góp 20% GDP chúng ta có tiềm năng trở thành đại đô thị sau năm 2025.Thử làm một tính toán đơn giản với giả thiết GDP Việt Nam tăng trung bình 6% và GDP TP.HCM (với tầm nhìn thành phố thông minh) tăng trưởng 10% thì năm bản lề sẽ là 2033, TP.HCM có khả năng cán mức 250 tỉ USD với đóng góp gần 40% GDP toàn quốc.
Nếu nhìn vào lịch sử của các cuộc cách mạng công nghiệp thì chu kỳ khoảng 100 năm (4IR được cho là bắt đầu từ năm 1969). Một quy hoạch đô thị cho cả một sự phát triển của đô thị trong hơn 50 năm, thì đây là cơ hội 100 năm mới có một lần cho TP.HCM để quy hoạch hoàn toàn mới cho tương lai trên 30-50 năm sau trong một viễn cảnh chung của Việt Nam.
Dự án Net-Building, Net-City, U-City của Hàn Quốc được triển khai từ năm 2000. Từ đó đến nay, qua 5 đời tổng thống và thị trưởng, các thành phố thông minh như Seoul, Incheon, Busan... được thực hiện một cách vững chắc với tầm nhìn hàng chục năm. Khi tôi hộ tống đoàn đại biểu doanh nghiệp bất động sản đến Incheon vào năm 2011 dự hội chợ triển lãm về thành phố thông minh thì mới thấy được sau hơn 10 năm, tầm nhìn đó được hiện thực như thế nào ở khu kinh tế mở IFEZ Incheon. Vào thăm Trung tâm triển lãm Thành phố Tương lai, chúng tôi bắt đầu từ tầng 2 là thì hiện tại, nhìn xuống tầng 1 là Incheon của 10 năm trước, cứ lên mỗi tầng, khách tham quan được đi vào thời tương lai của mỗi 10 năm sau đó đến tận năm 2050.
Có thể khát vọng cho TP.HCM tiếp cận thành phố thông minh bền vững trở thành một thành phố đáng sống, bền vững có nền kinh tế hơn 250 tỉ USD vào năm 2033 thoạt nghe như là một câu chuyện viễn tưởng. Nhưng nhìn lại những gì xảy ra ở các đại đô thị, hành lang kinh tế ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia trong 20 năm từ thập niên 80 thì cơ hội và tiềm năng là hoàn toàn có cho TP.HCM. Chưa kể đến cơ hội hình thành một Hành lang Kinh tế xuyên suốt giữa TP.HCM với Đồng Nai, Bình Dương... trở thành một Innovation Hub với Innovation Ecosystem chủ đạo cho phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.
Hiện tại, ở TP.HCM có rất nhiều “giấc mơ” đang hình thành như hệ thống tàu điện ngầm, hệ thống giao thông thông minh, hệ thống quản lý nước thông minh. Đây chính là điểm tôi nói từ đầu trong thành phố thông minh là sự kết hợp trên xuống và dưới lên để tăng được tính kết nối, tích hợp của các hệ thống, thành phần của đô thị trong một thành phố thông minh chung thay vì thành phố thông minh là một dự án thuần dựa trên công nghệ thông tin.
Trong ngữ cảnh của 4IR, giới hạn để xây dựng thành công thành phố thông minh không phụ thuộc vào công nghệ nữa mà phụ thuộc chính vào khả năng lãnh đạo và tổ chức từ việc thành lập tổ chức dự án đến xây dựng khung thành phố thông minh. Đây là những bước quan trọng nhất quyết định sự thành bại của quá trình thực hiện đi qua nhiều giai đoạn trong hàng chục năm. Từ chuỗi thành phố thông minh của Hàn Quốc, dự án 100 thành phố thông minh Ấn Độ, Liên minh Thành phố thông minh của EU, có thể rút ra bài học: thay vì lãng phí nguồn lực, cơ hội, thời gian, nên chăng cần có một khởi xướng ở tầm quốc gia điều phối, huy động nguồn lực/vốn của cả công - tư - quốc tế với quy hoạch vĩ mô. Qua đó, các thành phố TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng... có thể thực hiện thành công thành phố thông minh với tỉ lệ thất bại thấp nhất.
Cơ hội thành phố thông minh là rất lớn, lớn hơn nữa trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Lãnh đạo các thành phố lớn cũng như Chính phủ Việt Nam đã có những bước đi quyết liệt đầu tiên. Chúng ta có quyền hy vọng và tham gia với khả năng của mình để cùng biến giấc mơ “tìm ngọc sáng” này từng bước thành hiện thực như lời bài hát Xây Dựng của nhạc sĩ Hoàng Vân “cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau”.
Phan Thanh Sơn - Nguyên Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam