Sống trong chung cư cao cấp: Gõ đúng cửa để tránh mất thời giờ
Khi gặp chuyện không như ý khi ở nhà chung cư, người mua nhà thường có thói quen tìm người bán cho mình căn hộ, tức là Chủ Đầu Tư để than phiền. Tuy nhiên, cánh cửa mà cư dân cần gõ nhiều lúc đúng không phải là Chủ Đầu Tư. Vậy đâu mới là nơi người mua nhà cần tìm đến?
Cửa nào để gõ khi sống trong chung cư cao cấp?
Người dân ở những nước phát triển như Châu Âu, Bắc Mỹ hay các nước Châu Á hiện đại như Nhật, Singapore, Hàn Quốc… đã có thói quen ở nhà chung cư cao cấp và tạo được một văn hóa ở nhà chung cư cao cấp từ nhiều thập kỷ nay. Tuy nhiên ở Việt Nam, văn hóa chung cư cao cấp vẫn còn là một khái niệm mới vì người dân những thành phố lớn như Hà Nội, Tp HCM, Đà Nẵng chỉ mới dọn vào ở chung cư cao cấp chừng vài năm nay.
Cần phải phân biệt rõ giữa chung cư thường và chung cư cao cấp vì dạng chung cư thường (hay có nơi còn gọi là nhà tập thể) hoàn toàn không giống với lối sinh hoạt của chung cư cao cấp hiện đại ngày nay. Những chung cư cao cấp được xây bởi những chủ đầu tư lớn, có nhiều tiện ích dùng chung như hồ bơi, phòng tập gym, khu vui chơi trẻ em… Vì thế, văn hóa sinh hoạt trong những chung cư này là hoàn toàn khác biệt với chung cư thường của những thập kỷ trước.
Cư dân sinh sống trong chung cư cao cấp vì cùng chia sẻ những tiện ích chung, hoặc có nhu cầu sửa chữa căn hộ của riêng mình đều cần phải tuân theo những qui định chung. Điều này nhiều cư dân vẫn chưa ý thức và khi gặp chuyện không như ý họ thường có thói quen tìm Chủ Đầu Tư, người đã xây dựng và bán căn hộ cho mình, để khiếu nại. Họ đã gõ sai cửa!
Vai trò của Văn Phòng Quản Lý là gì?
Khi mua căn hộ lúc còn đang trong quá trình xây dựng, người mua nhà làm việc trực tiếp với Chủ Đầu Tư. Sau đó, khi căn hộ hoàn thiện và bàn giao cho người mua nhà, Chủ Đầu Tư đã thuê và ủy thác một đơn vị thứ ba, là nhà quản lý căn hộ cao cấp chuyên nghiệp để trực tiếp quản lý nguyên cả chung cư rộng lớn. Hiện tại trên thị trường Việt Nam có thể nhắc đến một số tên tuổi lớn trong lĩnh vực quản lý chung cư cao cấp như Savills, JLL, CBRE, PMC… Cư dân gọi đó là Đơn vị Quản Lý (hay văn phòng quản lý). Chức năng của Đơn vị Quản Lý là giới thiệu với cư dân những qui định chung và giữ cho những qui định đó được vận hành suôn sẻ. Mọi vấn đề về an ninh, cảnh quan, vệ sinh, … cư dân đều có thể tìm Đơn Vị Quản Lý để được giải quyết.
Trong năm đầu tiên sau khi chung cư cao cấp hoàn thiện, Đơn Vị Quản Lý sẽ là nơi tiếp nhận các phản ánh của cư dân. Trong thời gian này, Chủ Đầu Tư giữ trách nhiệm theo dõi sát sao cách làm việc của Đơn vị Quản Lý, nhằm đảm bảo mọi nhu cầu và mức sống cao của cư dân được đảm bảo nhất.
Sau khi đã có 50% cư dân dọn vào sống, theo luật hiện hành, Chủ đầu tư sẽ tổ chức hội nghị chung cư lần đầu để cư dân bầu ra Ban Quản Trị. Ban Quản Trị sẽ có cơ cấu giống hội đồng quản trị của công ty cổ phần hay hợp tác xã. Thành viên Ban Quản Trị chính là cư dân được toàn thể cư dân sống chung tòa nhà bầu nên. Họ đại diện cho cư dân, nói lên tiếng nói của cư dân, đại diện cư dân trong những trường hợp cần thiết.
Thành viên Ban Quản Trị là ai?
Khi Ban Quản Trị được thành lập, Chủ Đầu Tư sẽ kết thúc vai trò của mình. Chủ Đầu Tư sẽ bàn giao quĩ bảo trì, gồm 2% tổng giá trị căn hộ mà người cư dân đã đóng khi mua nhà và phí quản lý đã thu cho Ban Quản Trị. Vì thế, Ban Quản Trị giờ đây đóng một vai trò then chốt, toàn quyền sử dụng quĩ này cho những quyền lợi của cư dân. Ban Quản Trị cũng làm việc trực tiếp với Đơn vị Quản Lý và dù muốn hay không, Chủ Đầu Tư trở thành đơn vị hỗ trợ và chỉ có thể can thiệp vào các vấn đề của nhà chung cư khi Ban Quản Trị cho phép. Hiểu một cách đơn giản, Ban Quản Trị là đại diện cư dân, còn Đơn vị Quản Lý là công ty được cư dân trả lương để đảm bảo mọi vấn đề chung về sinh hoạt trong chung cư cao cấp.
Khi đã có Ban Quản Trị, cư dân sẽ có một cánh cửa để gõ khi cần giải quyết. Vì Ban Quản Trị do chính cư dân bầu nên, Ban Quản Trị thấu hiểu những vấn đề trong sinh hoạt của cư dân, nên mọi việc sẽ được giải quyết thấu đáo. Việc thay thế Đơn vị Quản Lý cũ nếu nhóm này làm việc không hiệu quả và chọn Đơn vị Quản Lý khác thay thế sẽ căn cứ vào hợp đồng ký kết giữa Ban Quản Trị và Đơn Vị Quản Lý hoặc tổ chức hội nghị nhà chung cư sẽ quyết định việc này.
Gõ đúng cửa để tránh mất thời giờ!
Hiện tại, do chưa hiểu cơ cấu thế nào là Ban Quản Trị và Đơn vị Quản Lý, nhiều cư dân khi gặp vấn đề trong sinh hoạt đều đi tìm Chủ Đầu Tư để khiếu kiện. Mọi chuyện lớn nhỏ từ hồ bơi có lá rụng chưa vớt, tiếng ồn của trẻ em trong khu vui chơi làm phiền giờ nghỉ ngơi, cho tới bóng đèn bị hư, vòi nước bị tắc, tường bị rộp… đều được cư dân gõ cánh cửa này.
Nhiều Chủ Đầu Tư đã cố gắng giải thích vai trò và trách nhiệm của mình đã kết thúc sau khi Ban Quản Trị được thành lập nhưng nhiều cư dân vẫn chưa hiểu khiến chất lượng sống của mọi người không đảm bảo do thời gian để giải quyết các than phiền bị kéo dài.
Việc bầu nên Ban Quản Trị nên được cư dân xem là rất quan trọng vì thành viên Ban Quản Trị đại diện cho mình.
Ban Quản Trị trong chung cư cao cấp đóng vai trò rất quan trọng, vì đây là cánh cửa cư dân cần gõ khi mọi vấn đề liên quan đến chất lượng căn hộ, an ninh, vệ sinh, các nội qui khu sinh hoạt chung… cần được giải quyết.
Nhật Duy