Ảnh: Tinnhanhchungkhoan.vn

 
Hà Linh Thứ Sáu | 01/11/2019 19:46

Siết tín dụng bất động sản: Doanh nghiệp tìm nguồn vốn mới bằng cách nào?

Phần lớn các doanh nghiệp bất động sản đang phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Do đó, khi nguồn vốn bị siết lại, các doanh nghiệp không thể đầu tư.

Siết tín dụng: Doanh nghiệp khát vốn, dự án “đứng hình”

Trong giai đoạn từ 2014 – 2018, thị trường BĐS phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên từ cuối năm 2018 tốc độ tăng trưởng tín dụng vào BĐS bắt đầu giảm, nguồn vốn trung và dài hạn bị cắt giảm từ 60% xuống 40%. Lộ trình này sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng tín dụng BĐS đã giảm dần trong thời gian qua, dẫn đến sự “chững” lại của thị trường bất động sản trong 9 tháng đầu năm.

Cụ thể, trong quý III vừa qua, tại Hà Nội và TP.HCM đều sụt giảm cả về nguồn cung và lượng giao dịch. Đáng chú ý, tại TP.HCM hầu như không có dự án nhà giá rẻ, nhà xã hội được tung ra thị trường, giá bán căn hộ cũng tăng nhanh; trên toàn quốc, phân khúc nghỉ dưỡng trầm lắng.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, chủ tịch Hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam lý giải, mới đây Ngân hàng Nhà nước có chủ trương hạn chế vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 45% xuống 40%, và hạn chế cho vay bất động sản. Điều kiện để vay bất động sản, các ngân hàng cũng siết chặt. Ví dụ như, tiền giải phóng mặt bằng, tiền nộp riền sử dụng đất cũng là sử dụng cho dự án, nhưng ngân hàng không giải quyết. Vì vậy các doanh nghiệp không thể có vốn để đầu tư. "Phần lớn các doanh nghiệp bất động sản đang phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Do đó, khi nguồn vốn bị siết lại, các doanh nghiệp không thể đầu tư", ông Hiệp nhấn mạnh.

Từ năm 2018 đến nay, khi dòng vốn tín dụng đổ vào bất động sản bị siết chặt, thị trường luôn rơi vào tình trạng khát vốn. Trong thời gian qua, một số dự án như: dự án CT Plaza Nguyên Hồng (số 18 Nguyên Hồng, phường 1, quận Gò Vấp) do Công ty Cổ phần Nguyên Hồng làm chủ đầu tư; dự án CT Home Bình Thạnh (số 471 Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh) do Công ty Cổ phần Xây dựng và Trang trí Nội thất Cát Tường làm chủ đầu tư... đã bị trễ hẹn bàn giao do thiếu vốn.

Nhiều dự án bất động sản trễ hẹn do chủ đầu tư thiếu vốn. Ảnh minh họa
Nhiều dự án bất động sản trễ hẹn do chủ đầu tư thiếu vốn. Ảnh minh họa

Doanh nghiệp bất động sản tìm nguồn vốn mới bằng cách nào? 

Trước thực trạng trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, thị trường bất động sản TPHCM đang vào giai đoạn vô cùng khó khăn do giao dịch ảm đạm, thủ tục pháp lý ách tắc, ngân hàng siết nguồn tín dụng. Hàng loạt dự án bất động sản rơi vào bế tắc, có dấu hiệu “chết lâm sàng”. Do đó, các doanh nghiệp cần phải tìm phương án mới cho câu chuyện huy động vốn.

Ông Nguyễn Đức Quân, phụ trách trái phiếu CT CP đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương cho rằng, vốn cùng với pháp lý là hai câu chuyện quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh hiện nay. Việc tìm kiếm các nguồn vốn lành mạnh trong dài hạn với lãi suất tốt luôn là ưu tiên hàng đầu để phát triển các dự án bất động sản.

Theo ông Quân, hiện tại nguồn vốn để phát triển dự án của các công ty đến từ 4 nguồn: chủ sở hữu, ngân hàng, nhà đầu tư và khách hàng. Trong bối cảnh các nguồn vốn từ ngân hàng đang có xu hướng thắt chặt, các doanh nghiệp đang hướng đến 3 nguồn vốn còn lại.

“Việc tiếp cận thị trường trái phiếu giúp giảm sự phụ thuộc của tập đoàn vào các lĩnh vực tín dụng của ngân hàng. Đồng thời, sau khi phát hành, chúng tôi có thể sử dụng nguồn vốn để thực hiện các dự án hoặc M&A…”, ông Quân nói thêm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc nghiên cứu thị trường (Công ty Cổ phần DKRA Việt Nam) cho biết, huy động vốn từ cổ phiếu và phát hành trái phiếu đang là xu thế hiện nay của các doanh nghiệp bất động sản. Đây được xem là hình thức linh hoạt, nhanh nhạy và chủ động của chủ đầu tư, là hình thức tích cực để giảm bớt sự phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Đồng thời, làm giảm bớt áp lực nguồn tài chính trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho biết, trên thực tế, câu chuyện huy động thêm vốn từ các nguồn vốn mới trong năm 2019 không phải một sớm một chiều có thể làm được.

►Làm thế nào để siết tín dụng đổ vào bất động sản?

Tái kiểm soát tín dụng bất động sản

Dư nợ tín dụng bất động sản hơn 16,6 tỷ USD