Ảnh: Quý Hòa.

 
Minh Đức Thứ Hai | 14/03/2022 14:30

Siết thuế sẽ giảm nhiệt giá nhà?

Đánh thuế tài sản, nhà ở có giảm được đầu cơ và hạ nhiệt thị trường bất động sản?

Một lần nữa, sau nhiều năm gác lại vì không nhận được sự đồng thuận, Bộ Tài chính khơi lại vấn đề thu thuế bất động sản, bao gồm việc đánh thuế với nhà ở và tài sản (hoặc thuế bất động sản thứ 2 trở lên). Mục tiêu của chính sách này là nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tăng nguồn thu ngân sách, góp phần làm cho thị trường bất động sản công bằng, minh bạch hơn, tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận bất động sản, tái cơ cấu dân cư...

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,  cho rằng đây là thời điểm rất thích hợp để đề xuất thuế nhà và tài sản. Bởi vì, thuế liên quan đến nhà đất ở Việt Nam hiện quá thấp, chỉ 0,03% trong khi ở các quốc gia khác thông thường mức thuế suất khoảng 1-1,5%. 

 

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến về thu thuế bất động sản có thể gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới nỗ lực phục hồi kinh tế hậu COVID-19. Bởi vì, bất động sản liên quan đến nhiều ngành nghề và nguồn thu của các địa phương hiện nay có một phần không nhỏ từ thu tiền sử dụng đất, thuế chuyển nhượng nhà đất. Ngoài ra, chính sách thuế cần có lộ trình và cân nhắc tới nhiều yếu tố xã hội để có mức độ thực hiện phù hợp...

Mặc dù còn nhiều ý kiến tranh luận nhưng rõ ràng sử dụng hiệu quả công cụ thuế và ban hành thuế bất động sản cũng được nhìn nhận như một giải pháp nhằm giảm nhiệt dòng tiền đầu cơ đang đẩy nhiều cơn sốt đất tại nhiều địa phương trên cả nước. Qua đó, thị trường bất động sản sẽ có sự điều chỉnh về mức giá phù hợp hơn với số đông người dân có nhu cầu mua nhà ở tại nhiều đô thị lớn.

Về vấn đề này, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, nói rằng: “Phải đánh thuế cao, lũy tiến vào tiền đầu cơ bất động sản, chứ không phải áp thuế trên giá trị bất động sản. Điều này đồng nghĩa ai ôm nhiều đất đai đầu cơ, không có dòng tiền kinh doanh sẽ bị thu thuế cao hằng năm”. Trong khi đó, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cho rằng đánh thuế nhà, thuế tài sản là phải đánh với mọi tài sản sẽ hạn chế tối đa tình trạng đầu cơ nhà đất vì rất khó chứng minh được đâu là căn nhà thứ 2 và như vậy mới bảo đảm công bằng.

Ảnh: Quý Hòa.
Ảnh: Quý Hòa.

Thuế đang nhắm vào thị trường đầu cơ nhưng vấn đề đầu cơ có phải là nguyên nhân chính đẩy giá nhà đất tại Việt Nam tăng trong nhiều năm qua? Có nhiều lý do để giải thích giá bất động sản Việt Nam tăng là do chi phí đất tăng, chi phí xây dựng leo thang. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế thì chính sự “khan hiếm giả” và thông tin không minh bạch trong quy hoạch mới là nguyên nhân chính đẩy giá nhà đất tăng vọt trong thời gian qua. 

Tại nhiều thành phố lớn, nguồn cung căn hộ đang ngày càng trở nên khan hiếm chủ yếu do vướng mắc pháp lý. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp phát triển bất động sản đã phải về các tỉnh vùng ven, kéo theo đó là các thông tin nhiễu loạn tạo ra mảnh đất béo bở cho dân đầu cơ. Ngoài ra, không thể không nhìn vào nghịch lý của thị trường là thiếu hụt nguồn cung “nhà ở có giá phù hợp với thu nhập” nhưng dư thừa nguồn cung nhà ở cao cấp, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng. 

Chẳng hạn, theo Hệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), trong số 14.443 căn hộ đủ điều kiện chào bán trong năm qua tại TP.HCM, có tới 10.404 căn thuộc phân khúc từ cao cấp đến siêu sang, chiếm gần 74% rổ hàng. “Một triệu căn nhà giá rẻ là một chỉ tiêu thực sự thử thách. Thử thách nằm ở 2 biến số: quỹ đất và thủ tục pháp lý”, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam, nhận định về mục tiêu phát triển nhà ở của TP.HCM.

 

Như vậy, có thể thấy nếu không giải quyết 2 biến số này thì giá nhà vẫn có cơ hội leo thang và đầu cơ khi đó chỉ là “té nước theo mưa” chứ không phải thủ phạm chính khiến nhiều người dân mất cơ hội sở hữu nhà ở. Nguồn cung dồi dào, đa dạng là hướng đi bền vững cho thị trường bất động sản, vừa giúp tạo lập một thị trường lành mạnh, vừa tăng thêm cơ hội sở hữu nhà ở cho người dân.