Thứ Tư | 15/10/2014 10:39

Sẽ giải tỏa nhà nổi Hồ Tây khỏi số 4 Thụy Khuê

Quận Tây Hồ thấy rằng vị trí các nhà hàng – tàu nổi hiện nay chưa phù hợp cảnh quan, chưa đúng quy hoạch số 6A đã được phê duyệt.
Chiều 14/10, trả lời báo Tiền Phong tại cuộc họp giao ban báo chí (Ban Tuyên giáo Hà Nội), ông Đỗ Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết: “Quan điểm của quận là phải sớm di chuyển hết các nhà hàng nổi tại số 4 Thụy Khuê, trả lại không gian, môi trường cho Hồ Tây...”.

Các nhà hàng nổi trên Hồ Tây đang gây bức xúc dư luận do làm ảnh hưởng xấu cảnh quan, ô nhiễm môi trường Hồ Tây. Trách nhiệm của UBND quận trong việc quản lý các nhà hàng nổi ra sao? Được biết, có tàu hết hạn đăng kiểm, cũ nát mất an toàn. Vậy số tàu được quản lý, cấp phép là bao nhiêu?

Các nhà hàng (tàu thuyền) nổi hoạt động ở khu vực hồ Tây đã tồn tại từ rất lâu rồi. Năm 2009, Thành phố Hà Nội có chủ trương kéo những tàu nổi này từ mặt đường Thanh Niên xuống khu vực số 4 Thụy Khuê, cho cấp phép kinh doanh, có đăng kiểm, cấp phép làm cầu tầu.

Tuy nhiên, khi về vị trí này, Cục C49 – Bộ Công an cũng đã có kết luận một số khu vực, một số tàu thuyền làm ảnh hưởng và vi phạm về mặt môi trường.

Về trách nhiệm của UBND quận Tây Hồ, thực hiện công tác quản lý nhà nước, chúng tôi đã xử phạt hành vi gây ô nhiễm môi trường. Chúng tôi kiểm tra tổng số các tàu thuyền, xử lý 2 đơn vị vi phạm, xử phạt hành chính, còn 2 đơn vị vi phạm khác chưa tìm thấy chủ sở hữu tàu.

Theo quy trình thoát nước cũ, toàn bộ hệ thống thoát nước bẩn đều đổ ra hồ Tây, do đó khu vực này hiện nay đang bị ô nhiễm do cả nguồn nước cống xả xuống.

Để làm sạch môi trường khu vực này, quận đã làm việc với Sở Xây dựng và Công ty thoát nước, sắp tới xử lý triệt để việc xử lý thu gom nước thải xả ra khu vực Hồ Tây.

Vậy hoạt động của các nhà hàng nổi này có phù phù hợp quy hoạch, kiến trúc cảnh quan khu vực Hồ Tây hay không, quan điểm của quận về vấn đề này?

Quận Tây Hồ thấy rằng vị trí các nhà hàng – tàu nổi hiện nay chưa phù hợp cảnh quan, chưa đúng quy hoạch số 6A đã được phê duyệt.

Năm 2013, UBND TP cho quận Tây Hồ nạo vét lòng Hồ Tây ở khu vực đầm Bảy. Sở Quy hoạch kiến trúc đã thỏa thuận với UBND TP là khu vực đỗ tàu.

Sắp tới, chúng tôi sẽ kiến nghị thực hiện việc di chuyển toàn bộ các tàu thuyền còn đủ điều kiện về khu vực đẩm Bảy, đối với các tàu thuyền hết hạn đăng kiểm hoặc quá cũ nát, chúng tôi sẽ cho di chuyển hết.

Đối với hệ thống tàu nổi gây bức xúc dư luận trong thời gian qua, quan điểm của quận là phải di chuyển toàn bộ khỏi khu vực này, trả lại cảnh quan cho đường Thanh Niên, chùa Trấn Quốc.

Quận sẽ sớm kiến nghị lên thành phố phương án di chuyển đồng bộ, nhưng muốn di chuyển được thì phải có sự chuẩn bị, cụ thể là phải đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư, phải có giải pháp và cả quá trình chứ không kéo về rồi (khu vực đầm Bảy - PV), họ lại vi phạm thì cũng không có ý nghĩa gì cả.

Cùng với việc giải tỏa nhà hàng nổi khỏi khu vực số 4 Thụy Khuê, theo quy hoạch, quận sẽ mở nối thông đường kè Hồ Tây vào đường Thanh Niên.
Hai nhà hàng nổi vô thừa nhận

Khi kiểm tra, xử phạt không tìm thấy hai chủ tàu vi phạm, phải chăng công tác quản lý còn lỏng lẻo, có tình trạng doanh nghiệp lợi dụng việc này đưa thuyền xuống kinh doanh trái phép? Nếu thấy cần thiết, đề nghị quận cung cấp thông tin chủ tàu để báo chí đăng công khai?

Chúng tôi xin nói lại, chủ tàu chưa tìm thấy là do khi tổ công tác xuống xử lý phạt thì không có mặt ở đó, chứ không phải không quản lý.

Theo thống kê, hiện tất cả có khoảng 8 - 9 tàu nổi hoạt động ở Hồ Tây, trong đó có cái đăng ký kinh doanh, có cái không đăng ký hoặc đăng ký nhưng đã hết hạn.

Hiện nay, khoảng 6 chủ tàu có đăng kí hoạt động tại số 4 Thụy Khuê. Có đơn vị đăng ký hai tàu. Về 2 chủ tàu vi phạm nhưng không có mặt khi đoàn công tác xuống kiểm tra, xử lý, quận sẽ ra thông báo và xử phạt chứ không để họ ngang nhiên vi phạm như vậy nữa.

Đồng thời, tại khu vực này có hai tàu nổi nhưng không có chủ tàu nào đứng ra nhận, quận sẽ báo cáo thành phố biện pháp xử lý cụ thể.

Cảm ơn ông!

Nguồn Tiền Phong


Sự kiện