Du lịch luôn được xác định là ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam. Ảnh: Savills

 
Thủy Ngọc Thứ Hai | 12/10/2020 11:18

Savills: Đà phục hồi thực sự cho du lịch toàn cầu có thể phải chờ đến năm 2024

Việt Nam sẽ có khả năng phục hồi nhanh hơn nhờ vào yếu tố an toàn và đà tăng trưởng tốt trong quá khứ.

Hàng trăm chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản du lịch, khách sạn, nghỉ dưỡng.. đã tụ họp về tham dự sự kiện ““Meet the Experts- Hội ngộ Chuyên gia” do Savills Hotels Châu Á-Thái Bình Dương tổ chức, hôm 8.10 vừa qua.

Tại Sự kiện, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, Du lịch luôn được xác định là ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam. Năm 2019, Việt Nam đã đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế và 85 triệu lượt khách nội địa. Du lịch đã tạo ra khoảng 4 triệu việc làm và góp 32,8 tỉ USD cho nền kinh tế quốc gia, tương đương 9,2%GDP. Tuy nhiên, vì những ảnh hưởng của dịch COVID-19, đến tháng 3.2020, toàn bộ hoạt động du lịch quốc tế đã bị ngưng trệ.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương cũng đồng tình“ ngành du lịch Việt Nam đã trải qua những biến động lớn. Một số khách sạn chỉ hoạt động với tỉ lệ lắp đầy ở mức một chữ số”. Ngoài ra, 8 tháng đầu năm 2020, giá phòng trung bình giảm 10% so với cùng kỳ, đã gây thiệt hại đáng kể cho hầu hết các chủ khách sạn.

Tuy nhiên, đại diện Savills cho rằng nhờ vào các biện pháp ứng phó với đại dịch hiệu quả của Chính phủ, nhu cầu du lịch nội địa đang dần khôi phục trở lại. Các khách sạn và khu nghỉ dưỡng vẫn nhận được yêu cầu đặt phòng cho tháng 9 và tháng 10.

Đến năm 2021, ông Mauro Gasparotti đánh giá “việc quản lý và hoạch định ngân sách là hết sức quan trọng”. Các chủ sở hữu khách sạn cần kiểm soát chi phí nhưng vẫn phải có những linh hoạt, chú ý để kịp thời khôi phục hoạt động kinh doanh khi nhu cầu du lịch quay trở lại.

Trước mắt, dù đường bay thương mại quốc tế được kết nối trở lại giữa Việt Nam với một số quốc gia, nhưng theo chuyên gia Savills, chủ đầu tư cũng không nên quá kỳ vọng vào sự phục hồi ngay lập tức thị trường khách quốc tế. Có thể có nhu cầu du lịch xuất ngoại từ nhóm khách cá nhân hoặc nhóm nhỏ, nhưng phần lớn du khách, đặc biệt là nhóm khách đoàn và khách gia đình sẽ cần thêm thời gian để đánh giá mức độ an toàn trước khi quyết định du lịch trở lại. Mặc dù vậy, ông Mauro Gasparotti đánh giá ngành du lịch Việt Nam sẽ có khả năng phục hồi nhanh hơn các quốc gia khác nhờ vào yếu tố an toàn và đà tăng trưởng tốt trong quá khứ.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn tác động, ông Douglas Louden, đối tác Quản lý tài sản, Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương lưu ý, chủ sở hữu nên cân nhắc những ý tưởng để tăng doanh thu và giảm chi phí hoạt động. Ứng dụng công nghệ, quan tâm đến nhân sự.. cũng là những giải pháp được các chuyên gia khuyến khích, để doanh nghiệp trong ngành bất động sản nghỉ dưỡng cải thiện tình hình và vượt qua khó khăn.

Trong hiện tại cũng như trong 3 năm tới, khách nội địa được xem là động lực tăng trưởng chủ đạo cho du lịch toàn cầu, gồm cả Việt Nam. Theo Savills, các doanh nghiệp cũng cần xem xét đến những nhu cầu mới của nhóm thế hệ trẻ (Millennial, Gen Z). Đây là nhóm yêu thích du lịch trải nghiệm. Những mô hình như Resort cao cấp, Nghỉ dưỡng nội đô (staycation)… đang được chú ý. Đặc biệt, từ trong đại dịch, nhu cầu du lịch cao cấp, ngắn ngày, đến những địa điểm an toàn, có thể di chuyển bằng xe, như Hồ Tràm, Vũng Tàu, Đà Lạt. Phan Thiết.. càng được yêu thích và lựa chọn.