Thứ Sáu | 24/01/2014 15:10

Sau Tết, cho phép thế chấp hợp đồng vay gói 30.000 tỷ đồng

Người mua nhà đang đứng trước cơ hội thế chấp tài sản hình thành trong tương lai để vay ưu đãi từ gói 30.000 tỷ đồng.
Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp đang xem xét cho phép người mua nhà được thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai (thế chấp hợp đồng mua bán) để vay vốn trong gói 30.000 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam vừa cho biết, sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp sẽ ban hành thông tư liên tịch cho phép người mua nhà được thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai (thế chấp hợp đồng mua bán) để vay vốn trong gói 30.000 tỷ đồng.

Cũng ngay sau kỳ nghỉ Tết, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước sẽ có quyết định tăng thêm các ngân hàng cổ phần được tham gia giải ngân gói 30.000 tỷ đồng. Lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng khẳng định sẽ chú trọng các giải pháp tạo nguồn vốn dài hạn như phát triển các quỹ tín thác, quỹ đầu tư bất động sản, đặc biệt Chính phủ sẽ có chính sách đột phá để đẩy nhanh quá trình thành lập Ngân hàng Tiết kiệm nhà.

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản trong năm 2014, lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa đề xuất 3 giải pháp: Thứ nhất, gia tăng nguồn vốn cung ứng cho bất động sản, trong đó tập trung vào các dự án lớn, sắp hoàn thiện; đồng thời đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, khoanh nợ trong lĩnh vực bất động sản; Thứ hai, tái cơ cấu sản phẩm tập trung vào phân khúc nhà ở cho người có thu nhập thấp, từng bước giảm mặt bằng giá bất động sản; Thứ ba, khôi phục niềm tin của nhà đầu tư…

Cụ thể, BIDV kiến nghị Chính phủ nên chấp thuận cho các dự án nhà ở thương mại diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, đang xây dựng dở dang được vay vốn gói 30 ngàn tỷ. Đối với người dân, Bộ Xây dựng nên cho phép người mua nhà ở xã hội được nhận ngay Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và được chuyển nhượng khi có giấy chứng nhận này.

BIDV cũng đề xuất nên tăng thời gian cho vay gói 30 ngàn tỷ lên 15 đến 20 năm; điều chỉnh tỷ lệ cho vay đối với DN ở mức cao hơn; giảm thêm 1-2% lãi suất cho vay (hiện đang là 5%/năm); và lựa chọn thêm tổ chức tín dụng tham gia giải ngân gói 30 ngàn tỷ…

Nguồn Báo Đầu tư


Sự kiện