Sắp thông xe một phần cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) - Chủ đầu tư dự án đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng vừa đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận thông xe, khai thác tạm và thu phí đoạn Hải Dương - Hải Phòng.
Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng giám đốc VIDIFI, hiện nay đoạn tuyến Km74+000 (Hải Dương) đến Km96+000 qua thành phố Hải Phòng đã cơ bản hoàn thành. Dự kiến, đoạn tuyến này sẽ đươc thông xe và đưa khai thác từ ngày 19/5 tới đây, sau đó sẽ thu phí theo lượt, tính theo số kilomet thực tế mà xe lưu thông.
Trong giai đoạn khai thác tạm các đoạn tuyến của đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (năm 2015), để khuyến khích phương tiện lưu thông trên đoạn tuyến này, VIDIFI đề xuất áp dụng mức thu phí là 1.500 đồng/km/xe tiêu chuẩn, tương tự với mức phí đang thu trên cao tốc Nội Bài- Lào Cai, Bến Lức - Long Thành và Cầu Giẽ - Ninh Bình (đoạn 4 làn xe).
Cụ thể, VIDIFI đưa ra biểu giá mức thu phí để lưu thông 22,7km cao tốc này thấp nhất là 35.000 đồng/xe đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải khách công cộng và cao nhất đối với xe tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng cotainer bằng 40 fit là 180.000 đồng/xe.
Đến năm 2016, theo phương án tài chính của dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, Bộ Giao thông Vận tải thẩm định, mức thu phí là 2.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn. "Từ năm 2016, VIDIFI sẽ áp dụng mức thu theo phương án tài chính được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt," lãnh đạo VIDIFI nói.
Theo phương án phê duyệt ban đầu, để thu hồi vốn, ngoài thu phí đường ôtô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ cho phép nhà đầu tư được đầu tư xây dựng hạ tầng các khu đô thị, khu công nghiệp, các khu dịch vụ, hậu cần phục vụ dọc tuyến đường cao tốc và thu phí Quốc lộ 5 từ khi Bộ Giao thông Vận tải bàn giao đến hết thời gian BOT là khoảng 35 năm.
Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là dự án đường giao thông trọng điểm quốc gia có quy mô lớn đầu tiên triển khai mô hình BOT với 105 km tiêu chuẩn cao tốc quốc tế. Dự án được khởi công từ 19/5/2008 với tổng mức đầu tư lên đến 46.900 tỷ đồng, toàn tuyến có chiều dài 105,5km.
Tuyến đường có chiều rộng mặt cắt ngang bình quân 100m, mặt đường rộng từ 32,5 đến 35m với 6 làn xe chạy theo tốc độ thiết kế lên tới 120 km/giờ, hai làn dừng xe khẩn cấp.
Dự án đi qua các tỉnh, thành phố là Hà Nội (6km), Hưng Yên (26,5km), Hải Dương (40), Hải Phòng (33km), và điểm cuối đường là đập Đình Vũ (thuộc quận Hải An, Hải Phòng). Ðiểm đầu của tuyến đường nằm trên đường vành đai 3 của Hà Nội, cách mố bắc cầu Thanh Trì 1.025 m, điểm cuối là đập Ðình Vũ, quận Hải An (Hải Phòng).
Nguồn Vietnam+