Rạng Đông sẽ thành khu công nghiệp - đô thị ở nam Đồng bằng sông Hồng
Chủ đầu tư Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông là liên doanh giữa Công ty CP Đầu tư Vinatex với công ty Luenthai (Hong Kong) và Công ty Foshan Sanshui Jialida (Trung Quốc) đặt mục tiêu đưa Rạng Đông không chỉ là một khu công nghiệp mà còn là một khu đô thị ở vùng nam Đồng bằng sông Hồng.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Nam Định đến năm 2020, theo đó, bổ sung mới KCN Dệt may Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng) với quy mô 600 ha vào Quy hoạch phát triển các KCN của cả nước.
Ông Nguyễn Văn Kiểm, Giám đốc Tài chính Công ty CP đầu tư Vinatex cho rằng quyết định này có ý nghĩa quan trọng để các nhà đầu tư triển khai dự án, đón bắt các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam sẽ ký kết với các nước có hiệu lực trong khoảng 2 đến 3 năm tới.
Ông Kiểm cho biết Rạng Đông là KCN phục vụ các ngành công nghiệp nói chung nhưng trọng tâm là dệt may và da giày, thời trang để các doanh nghiệp quốc tế và cả doanh nghiệp Việt Nam có nội lực tốt lựa chọn đầu tư cơ sở sản xuất. Ở KCN này, các nguồn cung như điện, nước, xử lý chất thải, cung cấp hơi và các hạ tầng kỹ thuật khác đều được xây dựng tập trung phục vụ cho sản xuất.
Theo chủ đầu tư KCN Rạng Đông, nhờ Hiệp hội Dệt may và Tập đoàn Dệt may Việt Nam, chủ đầu tư đã tiếp cận với các nhà đầu tư thứ cấp vừa là những thương hiệu thời trang và là nhà phân phối hàng đầu thế giới như GAP, UNICOLOR, ITOCHU... Các nhà đầu tư thứ cấp đều bày tỏ tiến hành xây dựng KCN Rạng Đông càng sớm càng tốt, trước hết là cho giai đoạn 1 với diện tích 300 ha.
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, ông Đoàn Hồng Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết các nhà đầu tư thứ cấp đã tới thị sát khu vực Rạng Đông, đo đạc sơ bộ địa điểm đặt nhà xưởng sản xuất.
Ngay sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chủ đầu tư KCN Rạng Đông đã họp bàn với chính quyền địa phương về việc lập quy hoạch xây dựng và kế hoạch đền bù giải phóng mặt bằng. Dự kiến tới tháng 4/2015, chính quyền tỉnh Nam Định sẽ bàn giao đất “sạch” cho chủ đầu tư KCN Bảo Minh để tiến hành xây dựng hạ tầng, đồng thời các nhà đầu tư thứ cấp cũng tiến hành xây dựng song song nhà xưởng sản xuất.
Theo ông Kiểm, “điểm rơi” chính sách thuế của các Hiệp định thương mại tự do mà nước ta đang đàm phán để ký kết là vào cuối năm 2016, đầu năm 2017. Vì vậy các nhà đầu tư thứ cấp tính toán từ giữa năm sau sẽ phải xây dựng nhà xưởng để tới năm 2017 nhà máy bắt đầu hoạt động cho ra những sản phẩm đầu tiên, bắt đầu hưởng các ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do.
Không chỉ dừng lại là một KCN, Rạng Đông còn được thiết kế là một khu đô thị dịch vụ với nhà ở cho công nhân, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực dệt nhuộm… Sau khoảng 8 năm, KCN rộng 600 ha sẽ được lấp đầy với khoảng 150.000 công nhân sinh sống và 500 doanh nghiệp hoạt động.
Chính vì thế, ông Kiểm cho rằng vấn đề xử lý chất thải là vấn đề phải quan tâm đặc biệt: “Chúng tôi đã có các giải pháp xử lý vấn đề môi trường từ việc triển khai KCN Bảo Minh trên địa bàn huyện Vụ Bản. Các tiêu chuẩn xả thải sẽ đáp ứng các yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như sẽ tiệm cận với thông lệ ở các nước Hàn Quốc, Nhật Bản”.
Đại diện chủ đầu tư KCN Rạng Đông cũng cho biết các đối tác tài chính như ngân hàng UFJ (Nhật Bản), HSBC (Hong Kong), Sacombank và một số ngân hàng khác của Việt Nam đã cam kết tài trợ vốn dài hạn cho dự án có tổng vốn đầu tư 400 triệu USD này.
Chủ đầu tư dự án cũng cho rằng việc đầu tư phát triển hạ tầng kết nối KCN với khu kinh tế Ninh Cơ, các tuyến quốc lộ, cảng biển quốc tế như Hải Phòng, Nghi Sơn trong những năm tiếp theo để luân chuyển hàng hoá cũng đóng vai trò quan trọng để phát huy hiệu quả của KCN Rạng Đông, làm tiền đề cho khu kinh tế Ninh Cơ và sự phát triển của Nam Đồng bằng sông Hồng.
Ông Đoàn Hồng Phong cho biết tỉnh Nam Định đang xây dựng kế hoạch trình Chính phủ xây dựng tuyến đường cấp 1 dài 40km nối KCN Rạng Đông với cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình ở vị trí Cao Bồ. Nguồn tiền xây dựng tuyến này được tỉnh Nam Định đề nghị từ kế hoạch vốn trung hạn 2016-2020. Tuy nhiên, khi KCN Rạng Đông đi vào hoạt động (khoảng năm 2017) vẫn có thể sử dụng các tuyến tỉnh lộ, tuyến đường sông, đường biển với cảng Thịnh Long.
Nguồn Chính phủ