Thứ Tư | 28/05/2014 13:21

Quy hoạch trạm dừng nghỉ dọc đường Hồ Chí Minh

Bộ Giao thông Vận tải sẽ huy động các doanh nghiệp góp vốn gần 5.790 tỷ đồng để xã hội hóa đầu tư xây dựng 57 trạm dừng nghỉ
Hệ thống trạm dừng nghỉ trên tuyến đường Hồ Chí Minh vừa được Bộ GTVT phê duyệt có 57 trạm sẽ được xây mới từ nay đến năm 2030 với tổng diện tích 326ha. Các khu vực có mật độ giao thông cao mà nằm xa các khu đô thị lớn sẽ được ưu tiên xây trạm trước từ nay đến năm 2020, số còn lại được tiến hành trong 10 năm tiếp đó.

Trong số những trạm nghỉ đường bộ trong quy hoạch, các trạm Đất Mũi (Cà Mau), Buôn Ma Thuột, Chơn Thành, Đồng Xoài (Bình Phước), Túy Loan (Đà Nẵng)… sẽ có quy mô lớn nhất, với kinh phí mỗi trạm khoảng 160 tỷ đồng trên diện tích 10ha.

Để giảm áp lực về vốn, Bộ GTVT cho phép các trạm được đầu tư theo hai giai đoạn. Giai đoạn I, quy mô và kinh phí từ 1/3 đến một nửa tổng mức đầu tư mỗi trạm.

Về nguyên tắc, quy hoạch sẽ gắn với địa bàn các tỉnh, với khoảng cách từ 30 - 50km sẽ bố trí một trạm. Việc quy hoạch này sẽ đi theo hướng giao cho các tỉnh lựa chọn vị trí theo cung đường để đáp ứng được mặt bằng thuận lợi, không nằm trong khu dân cư, hạn chế tối đa việc GPMB, đồng thời lợi dụng địa hình, địa vật san lấp thuận lợi nhất và gắn được với các địa điểm du lịch, cảnh quan.

Việc đầu tư xây dựng sẽ dựa trên nguyên tắc xã hội hóa, kêu gọi các doanh nghiệp góp vốn đầu tư. Vì thế, Bộ GTVT sẽ đề nghị UBND các tỉnh cho thuê đất theo mức giá đất nông nghiệp để các doanh nghiệp có điều kiện xây dựng.

Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ VN xây dựng trạm mẫu có đủ dịch vụ trong đó gồm có trạm xăng dầu, nhà hàng ăn uống, nhà nghỉ cho nhà xe đồng thời kết hợp các trạm đón, trả khách thành một tổ hợp. Để xây dựng các trạm này, Bộ GTVT cũng hướng tới việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư. Đến nay, một số tỉnh như: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An... đã có doanh nghiệp đầu tư theo mô hình này.

Nguồn Theo DVO


Sự kiện