Ngôi sao 5 cánh giữa biển Đông
Hoàng Đức Nam - nguyên Chủ tịch Hội SV ĐH Kiến trúc Hà Nội, trưởng nhóm ý tưởng kể, khát khao được làm một điều gì đó về Trường Sa đã xuất hiện trong bạn khá lâu. Một lần, Nam “ngỏ lời” với Huy, Ánh, Long, Thắng, Hoàng… đang học tại khoa Xây dựng và Kiến trúc của trường và ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng. “Các bạn ấy đều đã có sẵn mối quan tâm đặc biệt tới biển bảo quê hương. Mình chẳng cần phải nói gì thêm mà chỉ giữ vai trò… liên kết các trái tim nhỏ lại thành một tình yêu lớn” - Nam kể.
“Một điều gì đó” mà nhóm 6 chàng trai quyết định làm là xây dựng bản quy hoạch quần đảo Trường Sa. Qua nghiên cứu tài liệu, Nam và các bạn nhận thấy, quần đảo Trường Sa gồm nhiều cụm đảo khác nhau, mỗi cụm đảo lại nằm cách xa nhau nên việc giao thông, liên lạc, hỗ trợ gặp nhiều khó khăn. Nhóm sinh viên nảy ra ý tưởng sẽ quy hoạch một hòn đảo đóng vai trò trung tâm, đảm nhiệm việc trung chuyển liên lạc, hỗ trợ, đảm bảo an ninh giữa các cụm đảo, giữa đảo với đất liền và nước ngoài. Hòn đảo trung tâm ấy sẽ phát triển tỏa ra theo 5 hướng, tượng trưng cho 5 cánh của ngôi sao vàng nổi bật giữa biển Đông bao la.
Mỗi cánh sao có một chức năng riêng. Cánh sao thứ nhất là vườn thủy canh - nơi các loại rau, hoa màu được trồng trong nhà kính nhằm phát triển nông nghiệp trên đảo; cánh sao thứ hai là trung tâm nghiên cứu và phát triển hệ sinh thái biển Trường Sa. Rồi cả khu thủy hải sản; khu sân bay Trường Sa - nơi cập đỗ của các phương tiện giao thông khi qua quần đảo, nơi trung chuyển hàng hóa trong và ngoài nước theo đường hàng không. Cánh sao cuối cùng là cảng Trường Sa. Nằm giữa sao vàng 5 cánh, nhóm sinh viên đề xuất xây dựng một tháp trung tâm với hình ngọn lửa đang rực cháy trong lòng bông hoa sen.
Để bản quy hoạch có tính khả thi, các sinh viên đã bỏ công nghiên cứu từng chi tiết rất nhỏ, tìm hiểu giải pháp kiến trúc ở các công trình lớn khác trên thế giới rồi cải biến phù hợp với đặc thù thời tiết nắng và gió ở quần đảo Trường Sa. Chẳng hạn, để phục vụ cho việc trồng thủy canh, các bạn mong muốn sử dụng công nghệ màng RO áp lực cao biến nước mặn thành nước ngọt - phương pháp đã và đang được sử dụng ở Việt Nam; nguồn điện trên đảo sẽ được hình thành từ năng lượng gió và lực của sóng biển.
Thông điệp về tình yêu và trách nhiệm của tuổi trẻ
Chưa một lần đặt chân đến Trường Sa, nhưng bằng nhiều cách khác nhau như qua internet, thư viện, thông tin từ Ban Đối ngoại Trung ương các bạn trẻ đã thu thập được khá nhiều tư liệu về quần đảo này để nghiên cứu trước khi xây dựng ý tưởng. Mỗi SV - dựa trên thế mạnh của mình đảm nhiệm một phần việc khác nhau. Nam làm nhiệm vụ điều phối chung, Huy vẽ kết cấu, các bạn Ánh, Thắng… vẽ chi tiết và dựng phối cảnh, video… Do vẫn là sinh viên nên các bạn phải tranh thủ làm vào đêm khuya hoặc sáng sớm. Cật lực trong 3 tháng, cuối cùng, quy hoạch quần đảo Trường Sa đã hoàn thành. “Cảm giác lúc đó thật tự hào. Từng dòng chữ, nét vẽ đều gửi gắm khát khao của nhóm rằng trong tương lai quần đảo Trường Sa sẽ trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị trọng điểm trên vùng biển Việt Nam” - Phạm Quốc Huy cho biết.
Có một điểm thú vị, quy hoạch Trường Sa không phải là ý tưởng duy nhất mà nhóm 6 sinh viên đã thực hiện để thể hiện tình yêu với biển đảo Tổ quốc. Đầu năm 2013, các bạn đã hoàn thành một bản quy hoạch khác về đảo tiền tiêu Lý Sơn (Quảng Ngãi). Đảo Lý Sơn hiện lên thật lung linh với những ngôi nhà nổi, nhà bằng vỏ dừa, những hàng rào cây trồng bao quanh khu dân cư vừa tạo các khoảng không gian xanh vừa chắn được bão cát, gió bão và ngập mặn; nhóm còn đề xuất xây dựng thêm 3 bến neo đậu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận đảo, giao thương, tàu thuyền trú bão. Ngoài ra là các ý tưởng khác về xây dựng cơ sở hạ tầng, trường học, nhà trẻ, trạm y tế cho người dân đảo.
Tháng 5/2013, 6 sinh viên đã vinh dự được đặt chân lên đảo Lý Sơn cùng với 900 thanh niên ưu tú trong cả nước. Dù đã bỏ nhiều công tìm hiểu, xem ảnh vệ tinh về Lý Sơn nhưng cảm giác tự hào khi được đặt đôi chân trần lên hòn đảo của Tổ quốc mình, đến tận giờ 6 bạn trẻ vẫn không thể nào quên. Nam kể, xúc động nhất là khi được tới nhà lưu niệm, bảo tàng tận mắt chứng kiến những kỷ vật về hải đội Hoàng Sa hay câu chuyện về hai ngư dân Lý Sơn, trong một lần ra khơi bị tàu Trung Quốc bắn cháy nóc cabin tàu cá nhưng quyết không để cháy cờ Tổ quốc.
Bản Quy hoạch Trường Sa - Huy nói - có thể chưa thể trở thành hiện thực ngay - nhưng điều đó không quan trọng bằng việc các bạn đã truyền đi thông điệp về tình yêu và trách nhiệm của tuổi trẻ với Tổ quốc.
Nguồn Phụ nữ thủ đô