Quy hoạch huyện Thạch Thất thành đô thị vệ tinh - hành lang xanh
Mô hình không gian huyện Thạch Thất sẽ chuyển từ cấu trúc huyện nông nghiệp - làng nghề, có trung tâm là thị trấn huyện lỵ Liên Quan sang cấu trúc đô thị vệ tinh - hành lang xanh, theo Quyết định quy hoạch vừa mới phê duyệt của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.
Quy hoạch chung đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000, toàn bộ diện tích theo địa giới hành chính huyện Thạch Thất khoảng 18.459,09ha, trong đó, khu vực phát triển đô thị khoảng 10.134,05ha, khu vực nông thôn khoảng 8.325ha.
Quy mô dân số dự báo đến năm 2020 khoảng 324.000 người, đến năm 2030 khoảng 648.900 người.
Cụ thể định hướng phát triển đô thị gồm thị trấn huyện lỵ Liên Quan, một phần đô thị vệ tinh Hòa Lạc, một phần đô thị sinh thái Quốc Oai và một phần đô thị sinh thái Phúc Thọ.
Trong đó, thị trấn Liên Quan là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế thương mại, văn hóa, thể dục thể thao của huyện, phát triển theo mô hình sinh thái mật độ thấp, mở rộng không gian về phía Nam xã Kim Quan, kết nối với tuyến đường Bắc Nam.
Khu vực thuộc đô thị vệ tinh Hòa Lạc là trung tâm khoa học - công nghệ cao của quốc gia. Đầu tư các cơ sở trọng tâm là Đại học Quốc gia Hà Nội và khu công nghệ cao Hà Nội. Phát triển mô hình đô thị nén có hệ thống hạ tầng đô thị hiện đại và đồng bộ, thuộc địa bàn các xã Thạch Hòa, Tân Xã, Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân và một phần xã Hạ Bằng, Đồng Trúc.
Khu vực thuộc đô thị sinh thái Quốc Oai phát triển mô hình đô thị sinh thái và cụm công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, thuộc một phần đất của 2 xã Thạch Xá và Phú Bình.
Theo định hướng phát triển khu dân cư nông thôn, mô hình nông thôn huyện Thạch Thất chuyển từ cấu trúc làng xã theo địa hình tự nhiên sang cấu trúc “Cụm làng - trung tâm đổi mới”, có vành đai khép kín giới hạn không gian làng xã, không xâm lấn vào không gian xanh của Hành lang xanh Hà Nội, bảo vệ đất nông nghiệp.
Trong đó, cụm làng dọc 2 bờ sông Tích (các xã Cẩm Mỹ, Lại Thượng, Cần Kiệm, Thạch Xá) bảo tồn các giá trị làng nông nghiệp lâu đời. Cụm làng gắn với chùa Tây Phương ưu tiên đầu tư trở thành trung tâm dịch vụ du lịch tâm linh và du lịch sinh thái, phát triển dịch vụ, du lịch, giải trí sinh thái. Cụm làng giáp đô thị vệ tinh Hòa Lạc (các xã Đồng Trúc, Hạ Bằng, Bình Yên) duy trì bản sắc nông thôn vùng bán sơn địa.
Về định hướng phát triển không gian xanh của huyện bao gồm vùng nông nghiệp sinh thái, lâm nghiệp, mặt nước, công viên đô thị và không gian xanh trong các cụm làng. Vùng sinh thái nông nghiệp chủ yếu nằm trong Hành lang xanh Thủ đô Hà Nội. Duy trì vùng trồng lúa, trồng màu, hoa, cây cảnh, vùng trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản… phát triển nông nghiệp công nghệ cao đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nguồn Theo DVO