Quận 4 thoát xác
Hồi đầu năm 2015, trong buổi họp báo cáo thị trường bất động sản TP.HCM, khi được đặt vấn đề so sánh giữa khu Đông và khu Nam, Tổng Giám đốc CBRE Việt Nam Marc Townsend đã tránh trả lời trực tiếp mà chỉ nói rằng “các nhà đầu tư luôn bị định hướng cứ tập trung vào quận 2 và quận 7, trong khi lại bị quên mất những khu vực khác lại có sự hấp dẫn không kém như quận 4 hay Phú Nhuận”.
Nhận định của ông Marc hoàn toàn có lý nếu nhìn vào sự phát triển của thị trường bất động sản ở những khu vực này. Quận 4 là điển hình.
Mặc dù nằm sát cạnh khu trung tâm TP.HCM, nhưng vài năm trước đây, quận 4 vẫn được coi là khu tập trung tệ nạn lớn nhất thành phố. Bị tách biệt bởi các con kênh đã khiến quận 4 trơ trọi giống như một cù lao giáp ranh bên này là quận 1, quận 5, quận 8 và bên kia là Nhà Bè, quận 7. Thế nhưng, sau những thay đổi từ chính quyền, đô thị quận 4 đã lột xác hoàn toàn khi những khu nhà ổ chuột được thay thế bởi các chung cư hiện đại.
Tuy bộ mặt đô thị của quận 4 đã thay đổi được gần 10 năm, nhưng tiềm năng kinh doanh của khu vực này thì phải đến những năm gần đây mới được các nhà đầu tư bất động sản chú ý. Thống kê của CBRE Việt Nam cho thấy, trong 3 năm qua, số lượng căn hộ chào bán mới tại quận 4 có tỉ lệ tăng trung bình khá cao. Cụ thể, tỉ lệ tăng trưởng trung bình của nguồn cung căn hộ tại quận 4 là 24% so với 10% tại quận 7 và 36% của quận 2.
Cũng theo số liệu của CBRE, chỉ trong quý I/2015, có 2 dự án tại khu vực này được tung ra thị trường với 230 căn. Tiên phong trong việc khai phá thị trường quận 4 ở lĩnh vực căn hộ thương mại phải kể đến Tập đoàn Novaland.
Đầu năm 2014, công ty này đã đặt chân vào thị trường quận 4 sau khi công bố mua lại 2 dự án là Galaxy 9 và Icon 56. Galaxy 9 trước đây có tên là Dự án số 9 Nguyễn Khoái do Công ty Cao su Miền Nam làm chủ đầu tư và cũng đã xây xong phần móng. Còn Icon 56 tiền thân là dự án Khahomex - Savico Tower do Công ty Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn - Savico và Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Khánh Hội (Khahomex) làm chủ đầu tư.
Sự thành công nhanh chóng khi đưa ra sản phẩm của Galaxy 9 và Icon 56 ra thị trường đã khiến Novaland mạnh dạn tiếp tục đầu tư vào quận 4, gom thêm một loạt các dự án khác. Có thể kể đến như dự án River Gate (151 Bến Vân Đồn) được mua lại từ Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên, dự án Tresor mua lại từ Công ty Quốc Cường Gia Lai. Theo nguồn tin của NCÐT, hiện Novaland đang đàm phán mua thêm một vài dự án trên địa bàn này.
“Thật ra, nếu xét về yếu tố vị trí, quận 4 có thể được xem như một phần của trung tâm thành phố, chứ không phải là gần trung tâm quận 1 như mọi người vẫn nghĩ. Do đó, những dự án ở đây rất có tiềm năng và sức hút lớn với người mua nhà”, ông Phan Thành Huy, Tổng Giám đốc Novaland nói về chiến lược đầu tư mạnh vào quận 4 của Công ty.
Ðồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Bất động sản Danh Khôi, cho rằng những dự án căn hộ hiện hữu tại quận 4 phần lớn được bàn giao từ những năm trước, nên môi trường sống và các tiện ích đều đã xuống cấp, không còn đáp ứng được thị trường. Trong khi những dự án mới với các tiện ích được nâng cấp, lại có giá vừa phải nên rất thu hút người mua.
Không chỉ có Novaland, sự hấp dẫn của khu trung tâm mở rộng này cũng khiến một số doanh nghiệp lớn khác nhảy vào chia phần. Sôi động nhất chính là trục đường Bến Vân Đồn trải dài theo sông Sài Gòn với hàng loạt các dự án mới. Mới đây, Công ty TNR Holdings Việt Nam và nhà thầu xây dựng là Coteccons đã khởi công dự án Căn hộ The Gold View tại 346 Bến Vân Đồn, có tổng diện tích xây dựng trên 260.000 m2. Dự án này do Coteccons làm tổng thầu, tổng giá trị xây lắp dự kiến là trên 2.500 tỉ đồng.
Không chỉ hấp dẫn về thị trường căn hộ, với khoảng cách gần khu trung tâm quận 1, nhiều doanh nghiệp cũng nhắm vào phân khúc văn phòng khi chọn quận 4 làm địa điểm đầu tư. Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh REE là một ví dụ.
Tại Ðại hội cổ đông năm 2015, Chủ tịch Nguyễn Thị Mai Thanh của REE cho biết công ty này sẽ đầu tư một dự án văn phòng cho thuê tại quận 4 có giá trị đầu tư lên đến 1.200 tỉ đồng. Dự án dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2017, cung cấp thêm cho thị trường TP.HCM mặt bằng cho thuê có tổng diện tích lên đến 35.000 m2. Nghĩa là quy mô dự án sẽ lớn gấp đôi so với tòa văn phòng REE Tower của Công ty hiện có tại đường Đoàn Văn Bơ.
Không chỉ là những dự án đơn lẻ, tiềm năng của thị trường bất động sản quận 4 còn được xem là lớn hơn nhiều nếu nhìn vào tương lai của khu Cảng Sài Gòn, mảnh đất vàng nằm ở bờ Tây sông Sài Gòn.
Theo quy hoạch đô thị định hướng không gian kiến trúc khu vực bờ Tây sông Sài Gòn (trong đó có khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội của Cảng Sài Gòn), trong tương lai, Nhà Rồng - Khánh Hội sẽ trở thành khu vực giáo dục, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, giải trí, khách sạn, khu dân cư, phức hợp ga tàu khách quốc tế, quảng trường, cây xanh và phố đi bộ mới cho TP.HCM.
Lưu Đức