Làn sóng Proptech đang gia tăng mạnh mẽ tải Việt Nam. Ảnh: Shutterstock
Proptech - xu hướng phát triển tất yếu của ngành bất động sản
Hiện nay, công nghệ đã và đang tham gia vào mọi hoạt động của các ngành nghề kinh doanh nói chung và bất động sản nói riêng, từ tiếp thị, kinh doanh, quản lý tòa nhà cho đến chăm sóc khách hàng và cả tài chính. Trong những năm qua, “Proptech” đã có bước tăng trưởng vượt trội và đang tạo ra những tác động tích cực đến thị trường.
Mua bán nhà thời công nghệ
“Proptech” (công nghệ bất động sản – Property Technology) đang là xu thế chuyển đổi không thể đảo ngược trên toàn thế giới. Proptech có nghĩa là ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực bất động sản, giúp kết nối người mua, người bán, người có sản phẩm và nhu cầu trên thị trường. Thay vì gặp mặt trao đổi trực tiếp, người mua và bán có thể thực hiện các khâu giao dịch qua mạng, các nền tảng ứng dụng online... Báo cáo của Savills Việt Nam cho thấy, trong 2 năm 2020 - 2021, dòng vốn đầu tư trên toàn cầu dành cho lĩnh vực công nghệ bất động sản đạt trên 10 tỉ USD/năm. Các thị trường đi đầu trong lĩnh vực Proptech tại khu vực châu Á như: Trung Quốc, Hongkong, Singapore cũng đã bắt đầu nhận nguồn vốn đầu tư ấn tượng với khoảng 700 triệu USD.
Không nằm ngoài sự chuyển động chung trên toàn thế giới, Việt Nam đang chứng kiến làn sóng ứng dụng công nghệ thông minh vào nhiều khía cạnh của thị trường bất động sản ngày một gia tăng. Hành vi người dùng thay đổi mạnh mẽ sau đại dịch với xu hướng sử dụng dịch vụ online thường xuyên hơn đã khiến các đơn vị bất động sản buộc phải đầu tư phát triển công nghệ để đáp ứng sự chuyển dịch này. Với 64 triệu người dùng internet, chiếm 66% dân số, cùng với đó 62 triệu người thường xuyên sử dụng mạng xã hội, chiếm 64% dân số, xu hướng sử dụng điện thoại để giao dịch quản lý ngày càng tăng, quy mô thị trường bất động sản dự kiến lên tới 21 tỉ USD nên Proptech ở Việt Nam có nhiều điều kiện lý tưởng để phát triển và khai thác.
Các chuyên gia phân tích xu thế tất yếu và giá trị của đổi mới nhận định ứng dụng công nghệ trong hoạt động bất động sản đang ngày được chú trọng, và ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, dự án, nhất là khi thị trường bất động sản Việt Nam đang trên đà tăng trưởng vớo sự tham gia của các chủ đầu tư lớn nước ngoài cùng hàng loạt tập đoàn trong nước.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Quốc Anh - Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, phát triển Proptech không phải là một giải pháp, trào lưu tạm thời do Covid-19 mà nó đã và đang là xu hướng của thời đại. Dịch bệnh chỉ là yếu tố thúc đẩy nhanh hơn việc ứng dụng công nghệ vào các hoạt động, dịch vụ bất động sản.
Proptech mở ra “cuộc đua” mới
Có thể nói, công nghệ là yếu tố then chốt tạo nên sự khác biệt và thành công trên thương trường ngày nay, nếu doanh nghiệp làm chủ được công nghệ thì sẽ có cơ hội bứt phá và làm chủ thị trường. Nhiều nhà phát triển nội địa như Hưng Thịnh, CenLand, Vinhomes, Phúc Khang, Cityland… đã bắt đầu đổ nguồn lực lớn vào đầu tư phát triển công nghệ, phục vụ cho công tác vận hành bên trong bộ máy cũng như hoạt động tiếp thị và truyền thông bên ngoài. Kéo theo đó là những đơn vị cung cấp giải pháp Proptech nở rộ, với hơn 100 nền tảng đang hiện hữu trên thị trường Việt Nam.
Và không chỉ chủ đầu tư trong nước, các doanh nghiệp khối ngoại lại còn nhanh chân hơn khi đã thực tế triển khai áp dụng giải pháp số hóa vào các hoạt động kinh doanh của mình. Đơn cử như Gamuda Land, nhà phát triển đô thị tiếng tăm đến từ Malaysia, đã chuyển dịch phương thức giới thiệu sản phẩm, bán hàng từ sàn truyền thống lên trực tuyến với nền tảng “Stay home – Buy home” (tạm dịch “Ngồi nha – Mua nhà”). Khách hàng có thể tìm hiểu thông tin, hướng nhà, khoảng giá…, và đặt lịch tư vấn, truy suất thông tin chi tiết về sản phẩm, dự án của đơn vị này trên website. “Stay home – Buy home” là một giải pháp sẽ sắp xếp lại cách thức hoạt động truyền thống trong hàng trăm năm qua của ngành bất động sản, làm thay đổi phương thức mua bán nhà, cũng như phương thức quản trị doanh nghiệp của các công ty bất động sản.
Vừa mới đây, chủ đầu tư Malaysia đã tiếp tục chính thức cho ra mắt ứng dụng di động mang tên GL Lifestyle tại Việt Nam, sau sự thành công tại thị trường mẹ. Phiên bản 2.0 này là phiên bản nâng cấp đầy đủ tiện ích và tích hợp nhiều tính năng đột phá cùng giao diện thân thiện với người dùng, giúp người dùng “Một chạm đến với thế giới Gamuda”. GL Lifestyle là nền tảng để người dùng chạm đến hệ sinh thái trực tuyến của Gamuda Land, cho phép người mua nhà và cư dân truy cập vào mọi tiện ích, tính năng, dịch vụ mà chủ đầu tư bố trí tại các khu đô thị trực thuộc. Với giao diện thân thiện, dễ dàng sử dụng, chủ sở hữu hoàn toàn chủ động kết nối với các nhà bán lẻ, dịch vụ ăn uống, thể thao, mua sắm, giáo dục trong dự án để đặt chỗ, đặt hàng hoặc thuận tiện thao tác trong việc quản lý tài sản của mình. Ngoài ra, người dùng phổ thông còn có thể cập nhật thông tin về dự án mới nhất của Gamuda Land cả tại Việt Nam và nước ngoài, đồng thời biết đến và đăng ký tham gia các sự kiện cộng đồng mà chủ đầu tư tổ chức thông qua ứng dụng này.
Gamuda Land vừa chính thức ra mắt ứng dụng di động tại Việt Nam với nhiều tính năng hữu ích dành cho cả cư dân dự án và người dùng phổ thông. |
Ông Angus Liew - Chủ tịch Hội đồng thành viên Gamuda Land Việt Nam chia sẻ: “Một trong những giá trị thương hiệu cốt lõi của Gamuda Land đó chính là “Thúc đẩy sự cải tiến để tạo ra giá trị”. Đó là lý do chúng tôi luôn dành mối quan tâm đặc biệt, nỗ lực nghiên cứu, đầu tư vào việc phát triển cũng như ứng dụng công nghệ số trong quy trình vận hành. Với Gamuda Land, công nghệ chính là phương tiện tối ưu nhất để đạt được mục tiêu phát triển bền vững như chúng tôi đã đặt ra trong ít nhất 5 năm tới. Và ứng dụng GL Lifestyle là động thái cụ thể thể hiện cam kết của chúng tôi trong hành trình này.”
Với những động thái tích cực và sôi nổi của các chủ đầu tư cả trong và ngoài nước, thị trường BĐS đã rất dồi dào điều kiện cần để phát triển Proptech. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn cần điều kiện đủ từ phía nhà chức trách để công cuộc chuyển đổi này diễn ra nhanh chóng và hoàn thiện. Vì hiện quy trình giao dịch bất động sản rất chặt chẽ, ràng buộc bởi nhiều khâu phê duyệt, chứng nhận, nên khi số hóa, các thủ tục này cần được cơ quan chức năng của Nhà nước công nhận để tránh tranh chấp, rủi ro, giảm bớt tiêu cực, phiền hà cho cả người mua và bán trong quá trình giao dịch.