Thứ Hai | 25/02/2013 14:57

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải: Rất khó để hạ nhiệt giá nhà

Nguyên nhân do 70% vốn bất động sản hiện nay phụ thuộc vào ngân hàng, chịu những khoản lãi suất cao.
Trước cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản cuối tuần qua, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM đã có một bức thư dài 5 trang gửi đến các quan chức của Chính phủ, Bộ Xây dựng, Ban chỉ đạo…, trong đó nói rõ nhưng suy tư của mình về thực tại thị trường bất động sản hiện nay.

7 yếu tố làm giá bất động sản quá cao

Không phải ngẫu nhiên mà người đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp bất động sản TPHCM lại dành nhiều thời gian cho một bức thư tâm huyết như vậy. Bởi theo ông, một khi Chính phủ đã nhìn nhận bất động sản là một ngành kinh tế xương sống thì sự lên xuống của nó sẽ tác động rõ rệt đến nền kinh tế quốc dân. Thị trường bất động sản vừa như con chim báo bão, vừa cũng là con én báo mùa xuân về.

Trong bức thư, ông Châu cho rằng, từ năm 2008 đến nay (ngoại trừ năm 2010), thị trường bất động sản Việt Nam rơi vào suy thoái trầm trọng, bị đình trệ trên tất cả các phân khúc thị trường và gây hậu quả nặng nề đối với cả doanh nghiệp phát triển bất động sản, nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp, người tiêu dùng và toàn xã hội.

Riêng năm 2012 là năm khó khăn nhất của thị trường bất động sản với hai vấn nạn bao trùm đó là hàng tồn kho và nợ xấu rất lớn. Đi đôi với hiện tượng người tiêu dùng mất niềm tin vào thị trường. Kỳ vọng của đông đảo người thu nhập thấp đô thị có được căn nhà mơ ước ngày càng xa vời.

Tuy nhiên trong vô vàn khó khăn đó, năm 2012 vẫn có những điểm sáng, đó là phân khúc thị trường căn hộ quy mô vừa và nhỏ với giá trung bình, và một số dự án căn hộ cao cấp được đầu tư bài bản với tiện ích tốt, thân thiện môi trường vẫn được thị trường đón nhận.

Nhưng chỉ ngần đó thôi thì chưa đủ, bởi theo ông Châu, chính sách lãi suất cho vay quá cao hiện nay đang bóp chết hầu hết doanh nghiệp vì huy động vốn chỉ là 8% nhưng doanh nghiệp thường phải vay là 18-19%. Nhiều đơn vị phải tự cứu mình và chấp nhận bán lỗ.

Ông Châu cho rằng, ngoài yếu tố lãi suất, có thêm 6 chi phí khác là tiền sử dụng đất, chi phí xây dựng, thuế, phí, cấp điện nước, thủ tục hành chính nhiêu khê, bất hợp lý khiến giá nhà quá cao. Nếu giải quyết được các vấn đề này thì các doanh nghiệp có thể giảm mặt bằng giá nhà ở xuống 30%. Ngoài ra, cần phát triển thị trường nhà cho thuê mức giá bình dân 2 triệu đồng mỗi tháng, hoặc nhà bán trả góp dài hạn với lãi suất 6-8%/năm.

“Thật là bất công khi có những doanh nghiệp làm ra nhiều sản phẩm, tạo được nhiều việc làm cho người lao động nhưng lại phải è lưng trả lãi vay quá cao làm teo tóp lợi nhuận hoặc thậm chí bị lỗ, rơi vào gánh nặng nợ nần”, ông Châu nói.

Nhưng ông cũng nhìn nhận, người tiêu dùng hiện nay đang đứng ở vị trí trung tâm của thị trường bất động sản, với quyền lựa chọn sản phẩm rất rộng, giá cả chưa bao giờ hợp lý như hiện nay và phương thức thanh toán linh hoạt.

70% vốn bất động sản phụ thuộc vào ngân hàng với lãi suất cao

Phát biểu tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và Thị trường bất động sản cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải với tư cách là Trưởng ban chỉ đạo đã đồng ý với nhìn nhận rằng, hiện nay 70% vốn bất động sản phụ thuộc vào ngân hàng, chịu khoản lãi suất rất lớn, do đó rất khó để hạ nhiệt giá bất động sản xuống thêm, giúp người dân tiếp cận nhà dễ dàng hơn.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý rằng, trong thời điểm này, không có một giải pháp đơn thuần nào cứu được được thị trường bất động sản, mà cần phải có một giải pháp tổng thể, sự vào cuộc của nhiều ban ngành. Đặc biệt, trong thời gian tới, cần tạo được nguồn vốn vay dài hạn cho bất động sản vì phần lớn các dự án đều cần thời gian dài để hoàn thiện, đưa vào sử dụng.

"Thị trường nhà ở chưa khởi sắc nhưng rõ ràng cuối năm 2012, lòng tin của người dân với thị trường đã khá hơn. Chúng ta phải phát huy kết quả này trong năm 2013, tiếp tục tạo lòng tin cho người mua nhà", Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh các doanh nghiệp cần cơ cấu lại thị trường bất động sản, chuyển dần phân khúc cao cấp sang phân khúc trung bình có cầu lớn. Để làm được điều này, các địa phương phải rà soát lại các dự án nhà ở xã hội đã xây dựng nhưng chưa có người vào ở, những dự án gần hoàn thành nhưng thiếu vốn cần có sự hỗ trợ, báo cáo Chính phủ.

Để tăng cường minh bạch thông tin, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương đưa thông tin nhà ở lên webside. để người dân biết dự án làm đến đâu, giảm giá bao nhiêu… từ đó họ mới đến với doanh nghiệp.

“Nói tóm lại, thị trường bất động sản cần được công khai, minh bạch, đảm bảo chất lượng, chuyển phân khúc nhà cao cấp sang bình dân mới tạo niềm tin cho người mua nhà”, Phó Thủ tướng kết luận.

Nguồn Vneconomy


Sự kiện