Phát triển nhà ở xã hội: Còn nhiều vướng mắc
Theo kết quả rà soát của Bộ Xây dựng, năm 2015 trong khu vực đô thị cả nước có khoảng trên 1,74 triệu người có khó khăn về nhà ở (diện tích bình quân dưới 5m2/người) và trên 1,7 triệu công nhân có nhu cầu chỗ ở ổn định.
Như vậy, theo ước tính để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ, đến năm 2020 sẽ tăng thêm khoảng 200.000 căn. Qua đây có thể thấy nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp là rất lớn, tuy nhiên việc phát triển nhà ở xã hội hiện nay lại đang gặp nhiều vướng mắc.
Nhiều vướng mắc
Theo phân tích của bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Đại học Kinh tế quốc dân, một trong những lí do khiến cung về ở nhà xã hội khan hiếm là do thiếu đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại vị trí thuận lợi. Hiện dự án nhà ở xã hội đều triển khai trên quỹ đất công của nhà nước và quỹ đất 20% của các khu đô thị.
Tuy nhiên nhiều khu công nghiệp được hình thành nhưng chưa bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân, một số địa phương chưa bố trí đủ quỹ đất 20% các khu đô thị mới, các dự án nhà ở thương mại theo quy định dành để xây dựng nhà ở xã hội. Với nhu cầu về nhà ở xã hội lớn như hiện nay thì quỹ đất trên là không đủ.
Bên cạnh đó, một số cơ chế ưu đãi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội như hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kĩ thuật trong và ngoài hàng rào dự án và hỗ trợ từ nguồn ngân sách của địa phương chưa đươc quan tâm đúng mức. Mức độ ưu đãi phụ thuộc vào điều kiện của từng địa phương nên chưa thu hút được doanh nghiệp (DN) tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.
“Ngoài ra, trên thực tế là chi phí đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội thường đòi hỏi nguồn vốn lớn, các DN tham gia đầu tư phải vay ngân hàng với lãi suất cao trong khu lợi nhuận thu được lại thấp, thời gian thu hồi vốn dài, chính sách ưu đãi hỗ trợ của nhà nước còn ít, hầu hết các DN đều không mặn mà tham gia”, bà Nguyệt cho biết.
Từ thực tế DN, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Hoàng Quân Group cho rằng, nguồn vốn hỗ trợ DN trong gói 30.000 tỉ đồng theo quy định 1/3 tổng vốn đầu tư dự án là tương đối thấp trong điều kiện giá thành thiết kế, thi công xây dựng cao, đặc biệt việc áp dụng các công nghệ hiện đại để đảm bảo chất lượng công trình, đẩy nhanh tiến độ xây dựng là khoản sử dụng kinh phí rất lớn.
Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, việc chuyển đổi chức năng dự án hoặc đầu tư xây dựng mới dự án nhà ở xã hội và nhà ở thương mại còn nhiêu khê với nhiều thủ tục hành chính, mất nhiều thời gian để hoàn thiện theo đúng quy định của pháp luật.
Đơn cử như dự án Nhà ở thương mại giá rẻ Hoàng Quân Cần Thơ từ khi có chủ trương đầu tư xây dựng, phải mất gần 2 năm để hoàn thành thủ tục pháp lý từ việc thay đổi chủ đầu tư dự án, chuyển đổi chức năng dự án, chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định phê duyệt chi tiết quy hoạch 1/500 đến việc cấp giấy phép xây dựng.
Giải pháp nào?
Nhằm hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, theo bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, cần thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về rà soát các dự án BĐS, trong đó tập trung quỹ đất 20% dành cho phát triển nhà ở xã hội tại các dự án phát triển nhà ở quy mô từ 10 ha trở lên. Có như vậy mới tạo ra quỹ đất đủ đáp ứng cho các dự án nhà ở xã hội, đồng thời tạo điều kiện về thủ tục khi các DN tiếp cận quỹ đất này.
Bên cạnh đó, nhà nước cần tạo điều kiện và cụ thể hóa các ưu đãi đã ban hành như miễn giảm thuế VAT, thuế TNDN cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội. Đồng thời, đối với hệ thống các ngân hàng thương mại, Nhà nước cần phải có quy định dành một tỉ lệ % nguồn vốn vay ưu đãi để hỗ trợ các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đồng thời, giảm thiểu các thủ tục vay rườm rà, gây khó khăn cho DN khi tiếp cận vốn...
Còn theo ông Trương Anh Tuấn, bên cạnh sự ổn định lâu dài về chính sách, mức lãi suất dành cho DN đầu tư nhà ở xã hội chỉ nên bằng 1/2 mức lãi suất thương mại. Cần ưu tiên giải quyết các thủ tục hành chính cho DN đầu tư nhà ở xã hội. Theo đó, cần đơn giản hóa và tiết giảm khối lượng giấy tờ hành chính trong việc đầu tư mới, chuyển đổi chức năng dự án…
“Không chỉ tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ mà các sở ban ngành ở các địa phương khác cũng cần có giải pháp quyết liệt trong việc cắt giảm các thủ thục hành chính cho DN đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ cũng như giảm thủ tục hành chính cho khách hàng trong việc xác nhận thực trạng nhà ở, xác nhận thu nhập thấp”, ông Tuấn kiến nghị.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, tuy là nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ nhưng để bỏ ra số tiền từ 700 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng để mua nhà là con số không nhỏ đối với nhiều người dân, đặc biệt là người thu nhập thấp. Chính vì thế, cần điều chỉnh mức lãi suất từ 6%/năm xuống còn 3%/năm để phù hợp với khả năng tài chính của người dân. Đồng thời, Nhà nước xem xét mở rộng hơn nữa về đối tượng được mua nhà ở xã hội để phục vụ nhu cầu rất lớn về mua nhà ở xã hội của người dân.
Nguồn Báo Hải quan