Phân khúc thị trường khách sạn: Từ khó khăn đến cơ hội
Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách nước ngoài. Do đó, ngay cả khi kinh tế khó khăn, thị trường BĐS trầm lắng, phân khúc khách sạn vẫn đem lại khoản lợi nhuận nhất định. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp về mảng khách sạn còn cho đây là cơ hội và thách thức để cạnh tranh.
Nhiều tiềm năng
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, trong 9 tháng qua, lượng khách quốc tế đến Hà Nội đạt 1,9 triệu lượt, tăng 20% so với cùng kỳ. Số lượng khách nội địa tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, những năm gần đây, xu hướng du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, tìm kiếm đối tác đầu tư (MICE) đang phát triển rất mạnh mẽ. Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) đánh giá loại hình kinh doanh này vẫn đầy tiềm năng, doanh thu cao gấp 6 lần du lịch bình thường và nhất là đối với hoạt động khách sạn do lượng khách đông, lại chủ yếu là đối tượng thương nhân, doanh nghiệp có nhu cầu và mức chi tiêu cao.
Với những yếu tố đó, phân khúc khách sạn tại Hà Nội đang được các công ty chuyên tư vấn, nghiên cứu thị trường như CBRE, Savills đánh giá vẫn dễ dàng đạt được công suất thuê phòng cao, mặc dù nền kinh tế đang khó khăn, khách hàng thắt chặt chi tiêu. Tuy nhiên, mặt bằng giá phòng đều giảm ở tất cả các hạng, dao động từ 1,6 - 2 triệu đồng/phòng/đêm và nguồn cung vẫn rất lớn. Hết quý III/2013 toàn thị trường Hà Nội có 53 khách sạn 3 - 5 sao với 7.750 phòng. Khối khách sạn 5 sao chiếm thị phần lớn và hoạt động tốt nhất, đạt công suất 54%. Tương lai, khối này sẽ chiếm 73% tổng nguồn cung với 4.760 phòng.
Mặt khác, các nhà kinh doanh nhìn thấy tiềm năng khai thác của khách sạn rất dồi dào khi gần đây nhiều doanh nghiệp lớn, đối tác làm ăn quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc… đã đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Dẫn chứng rõ nhất là trong những năm gần đây nhiều tập đoàn quốc tế như: Marriott International, Inc với khách sạn 5 sao JW Marriott Hotel Hanoi (Đỗ Đức Dục, Mễ Trì, Từ Liêm) và Intercontinental Hotel Group PLC (IHG) với Hanoi Landmark 72 (Phạm Hùng, Mễ Trì, Từ Liêm), Crowne Plaza West Hanoi (Lê Đức Thọ, Mỹ Đình), Hanoi Westlake (Nghi Tàm, Tây Hồ)… cũng đã, đang tăng tốc đầu tư vào Việt Nam và xây dựng mạng lưới. Dự báo sắp tới sẽ có một thị trường khách sạn sôi động và cạnh tranh khốc liệt.
Nâng chất lượng vươn tầm quốc tế
Các chuyên gia đều cho rằng, kinh doanh khách sạn có đặc thù riêng, đầu tư lớn thu lợi nhỏ, chậm nhưng lâu dài, nên không thể đánh giá thành bại chỉ trong một vài năm. Mặt khác, mỗi khách sạn đều có chiến lược, cách thức hoạt động, quy mô, vị trí, diện tích, đối tượng phục vụ và những cách khai thác lợi nhuận khác nhau. Song trên tất cả lợi thế của riêng thì bản thân các đơn vị kinh doanh khách sạn cũng phải có những nhìn nhận, đánh giá đúng đắn về thị trường, nhu cầu, thị hiếu của du khách và chiến lược phát triển bền vững.
Phân khúc khách hàng tiềm năng như doanh nghiệp, thương gia là đối tượng có nhu cầu thuê phòng ở lớn đặc biệt là hình thức MICE. Đây chính là cơ sở để khai thác, phát triển thị trường đặc biệt khách sạn đa chức năng. Tăng số lượng khách sạn, nhiều sự chọn lựa giúp du khách cảm thấy dễ dàng, thoái mái hơn. Đồng thời, chất lượng khách sạn được nâng cao sẽ tạo dấu ấn hút khách trở lại lần sau.
"Hiện, không nhiều khách sạn ở Hà Nội có dịch vụ đạt chuẩn quốc tế. Hệ thống nhân viên phục vụ chưa được đào tạo bài bản, hạn chế về ngoại ngữ... trong khi phân khúc này đang rất nhiều tiềm năng. Cần tạo nhiều cơ chế thuận lợi, đẩy mạnh phát triển hoạt động du lịch. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ chất lượng của khách sạn và du lịch với nhau. Phía các nhà đầu tư cũng cần cao cấp hóa trình độ, dịch vụ, chăm sóc khách hàng, đem đến những dịch vụ tốt nhất. Đó chính là thách thức cũng là cơ hội phát triển, hoàn thiện mình và vươn tầm quốc tế" - ông Tuncay Bockin - Tổng Giám đốc khách sạn và căn hộ Crowne Plaza West Hanoi nói.
Nguồn Báo Xây Dựng