Do quỹ đất đang ngày càng khan hiếm ở các quận nội thành, các nguồn cung mới có xu hướng tập trung ở các khu vực như khu Đông, khu Nam và rìa thành phố, các tỉnh lân cận. Ảnh: TL.
Phân khúc cao cấp vẫn sẽ chiếm chủ đạo trong nguồn cung tại TP.HCM
Theo thống kê của CBRE, nguồn cung mới tại TP.HCM dự kiến khoảng hơn 8.000 căn, với nguồn cung tương đối hạn chế như vậy được kỳ vọng sẽ khiến mặt bằng giá duy trì ở mức cao và giá bán sơ cấp có thể tăng 3% so với cùng kỳ.
Theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán MB (MBS), các dự án mới tại TP.HCM sẽ chủ yếu tập trung tại phân khúc cao cấp với sự mở bán của các dự án như Eaton Park, The Global City. Do quỹ đất đang ngày càng khan hiếm ở các quận nội thành, các nguồn cung mới có xu hướng tập trung ở các khu vực như khu Đông, khu Nam và rìa thành phố, các tỉnh lân cận phù hợp theo các định hướng quy hoạch cơ sở hạ tầng, đây sẽ là các khu vực tiếp tục chiếm lĩnh thị trường trong tương lai.
Nguồn: MBS. |
“Với định hướng giảm áp lực cho khu vực nội thành, TP.HCM sẽ mong muốn tiếp tục đô thị hóa đến các khu vực có mật độ dân số thấp như TP.Thủ Đức và huyện Nhà Bè. Nguồn cung thấp tầng trong giai đoạn 2024-2025 vẫn sẽ chủ yếu tập trung tại TP. Thủ Đức để hưởng lợi từ mạng lưới cơ sở hạ tầng phát triển nhanh chóng như dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, sân bay Long Thành, cầu Thủ Thiêm 4, Vành Đai 3. Bất động sản tại các thành phố vệ tinh như Đồng Nai và Bình dương cũng sẽ được hưởng lợi từ các dự án này với nguồn cung lớn hơn”, MBS nhận định.
Trong phần còn lại của năm 2024, tổ chức này cho rằng nguồn cung tại TP.HCM chủ yếu sẽ đến từ các giai đoạn kế tiếp của các dự án hiện hữu, dự án mới chỉ chiếm khoảng 1/3.
“Phần lớn nguồn cung tương lai sẽ là nhà phố với giá bán khoảng trên 20 tỉ đồng. Với một phân khúc mang nhiều tính đầu cơ hơn là gắn với nhu cầu ở thực, chúng tôi cho rằng việc lãi suất đã có dấu hiệu tăng lên và mặt bằng giá cả sơ cấp sẽ khó giảm sâu hơn do nguồn cung hạn chế sẽ kích thích nhà đầu giải ngân”, MBS đánh giá.
Theo MBS, các khu đô thị vùng ven sẽ được hưởng lợi nhờ cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ. Trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn đầu tư công của Hà Nội dự kiến tăng trưởng 36% lên mức 340.153 tỉ đồng so với giai đoạn 2016 - 2020. Vốn đầu tư công năm nay có đóng góp lớn từ các dự án giao thông trọng điểm như Đường Vành đai 4, Đường Vành đai 3.5,.. nhằm hướng tới việc kết nối khu vực trung tâm tới các khu phía Đông, Tây Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Nguồn: MBS. |
Việc phát triển hạ tầng sẽ góp phần gia tăng lợi thế cho các khu đại đô thị vùng ven so với khu vực trung tâm trong bối cảnh rút ngắn thời gian di chuyển giữa các khu vực.
Trong năm 2024, TP.HCM sẽ ưu tiên triển khai 59 dự án giao thông với tổng nguồn vốn lên đến 231.000 tỉ đồng, tương đương 9,4 tỉ USD. Việc đầu tư mạnh mẽ và đồng bộ cho hạ tầng giao thông sẽ giúp giảm tải áp lực cho khu vực nội thành. Các dự án trọng điểm như Sân bay Long Thành (Đồng Nai), Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ mang lại triển vọng cho các dự án bất động sản cho các tỉnh phía Nam như Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước.
Có thể bạn quan tâm