Ảnh:thoibaonganhang.vn

 
Duyên Hà Thứ Bảy | 16/11/2019 18:33

Ông Lê Hoàng Châu: Thị trường bất động sản TP.HCM vẫn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng

Thị trường bất động sản TP.HCM hiện nay về bản chất không xấu, chưa có nguy cơ bị khủng hoảng, vì vẫn còn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng...

Thị trường bất động sản gặp khó, nguồn cung suy giảm

Phát biểu tại Hội thảo “Tiềm năng và cơ hội đầu tư cổ phiếu bất động sản" do Tạp chí Thương gia tổ chức tại TP.HCM, ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, thời gian qua thị trường bất động sản thành phố rơi vào tình trạng khó khăn. Trong 2 năm gần đây, thị trường bất động sản TP.HCM đã bị sụt giảm mạnh nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là tình trạng quá thiếu nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội. 

Cụ thể, theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2019, nguồn cung chào bán mới tại TPHCM đạt 21.619 căn, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý, trong số 20 dự án được chào bán, không có dự án nào dành cho người có thu nhập thấp (dưới 1.000USD/m2).

Trong 4 năm qua, đã có nhiều dự án nhà ở bị “đứng hình” do không thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng, hoặc bị dừng triển khai. Tình trạng thiếu sản phẩm nhà ở, dẫn đến giá nhà đất tăng (do “tổng cầu” quá lớn nhưng nguồn cung ít), đem lại lợi nhuận lớn cho một số chủ đầu tư, nhưng lại làm cho khách hàng phải mua nhà giá cao hơn. Bên cạnh đó, phần lớn người tiêu dùng là người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp khó tạo lập nhà ở hơn.

Chủ tịch HoREA nói rằng, thị trường bất động sản TP.HCM hiện nay về bản chất không xấu, chưa có nguy cơ bị khủng hoảng, vì vẫn còn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng (sau giai đoạn bị khủng hoảng đóng băng 2011-2013). Thị trường bất động sản thành phố rơi vào tình thế khó khăn hiện nay chỉ có tính nhất thời, đặc thù, bất bình thường, mà nguyên nhân là do vướng mắc, xung đột của một số quy phạm pháp luật và do cả công tác thực thi pháp luật.

 

"Tuy nhiên, do thị trường bất động sản có “độ trễ” nên nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả các vướng mắc và điểm nghẽn hiện nay thì tình trạng sụt giảm quy mô thị trường sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, dẫn đến một số doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn, thậm chí có thể có nguy cơ phá sản”, ông Châu nhận định.

Nguồn cung căn hộ mới sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2020

Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE, thời gian qua, mặc dù nguồn cung trên thị trường giảm sút, giá bán sản phẩm tăng cao, song đây là thời điểm khó có thể xảy ra “bong bóng” bất động sản. Lý giải về điều này, bà dung cho biết, nhu cầu thực tế trên thị trường còn rất lớn. Trong quý III/2019 lượng giao dịch nhà ở trên thị trường rất khả quan, tỷ lệ hấp thụ của TP Hồ Chí Minh đạt trên 90%, thậm chí có phân khúc lên tới 95 - 97%.

Dự báo về tình hình phát triển của phân khúc căn hộ trong thời gian tới, bà Dung cho biết, năm 2020, nguồn cung căn hộ sẽ tăng trưởng trở lại. Nguyên nhân là do nhiều dự án sẽ được đưa ra thị trường sau một thời gian tạm ngưng.

Nguồn cung căn hộ sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2020. Ảnh: CBRE
Nguồn cung căn hộ sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2020. Ảnh: CBRE

Cùng với nguồn cung mới chào bán ra thị trường tăng thì giá bán cũng tăng. Trong thời gian qua, giá thành bất động sản phân khúc nhà ở tầm trung đã tăng 5-10%. Phân khúc bất động sản nhà ở hạng sang tăng trưởng 30-40%. Điều này cho thấy lực mua tại TP.HCM vẫn ở mức cao dù giá bán tăng, đặc biệt phân khúc hạng sang. Nhu cầu tại TP.HCM vẫn rất cao. CBRE dự đoán, trong năm tới giá thành bất động sản phân khúc nhà ở tầm trung sẽ duy trì đà tăng 5-10%.

Nhờ quỹ đất còn nhiều và hạ tầng phát triển tốt, khu Đông và Nam sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường. Trong quý III/2019, khu Đông chiếm 61% tổng lượng giao dịch, trong khi  khu Nam chiếm 23%.

Trong khi đó, ông Trần Quốc Dưỡng, chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam) cho biết, thị trường sẽ đón nhận những tín hiệu tích cực trong quý IV. “Mặc dù khó có thể tăng trưởng đột biến, song trong quý IV, thị trường BĐS sẽ có sự tăng trưởng tích cực hơn so với quý III, đây là thời điểm người dân đã “gom” được tài chính và tâm lý mua nhà để đón Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, điểm nghẽn lớn và cũng là khó khăn chung mà các nhà phát triển bất động sản đang phải đối mặt nằm ở các vấn đề pháp lý”, ông Dưỡng nêu nhận định.

►Nhà phố, biệt thự TPHCM: Khu Đông tiếp tục hưởng lợi nửa cuối năm

Xu hướng BĐS cuối năm: Phân khúc căn hộ hấp dẫn nhà đầu tư

Thị trường bất động sản sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2020?