Việc nới room tín dụng như một liều "chất kích thích" cho thị trường bất động sản.

 
Đại Việt Thứ Hai | 19/09/2022 16:03

Nới room tín dụng như liều “doping” vào thị trường bất động sản

Các chuyên gia cho rằng, việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng (room) tín dụng như một liều “doping” (chất kích thích) cho thị trường bất động sản.

Theo nghiên cứu của DKRA, trong tháng 8/2022, TP.HCM chỉ có 117 căn hộ chung cư được bán ra, giảm đến 78% so với tháng 7. Đây là tháng có tỉ lệ hấp thụ thấp nhất trong 3 năm qua. Các chuyên gia nhận định, dòng vốn tín dụng bị “siết” đã ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng giao dịch nói riêng cà sự năng động của thị trường nói chung.

Chuyên gia Lê Thị Thanh Hằng, CEO VietnamGroove, cho biết theo như thông báo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc nới room tín dụng mới đây thì mức tín dụng được cấp thêm cho thị trường là khoảng 200.000 tỉ đồng. Dù mức tín dụng được cấp thêm không quá nhiều nhưng đây sẽ là điều kiện quan trọng giúp thị trường bất động sản dần trở nên năng động hơn.

Theo bà Hằng, việc nới room tín rộng sẽ có những tác động khác nhau đến các chủ đầu tư, nhà đầu tư và người mua với nhu cầu ở thực. Tuy nhiên, tác động nhìn chung là tích cực, việc nới room tín dụng như một liều “doping” cho thị trường.

“Đối với các chủ đầu tư uy tín, họ sẽ có điều kiện để tiếp cận nguồn tín dụng này để tiếp tục hoàn thiện các dự án còn dang dở. Chủ đầu tư sẽ tự tạo ra lợi thế bứt phá cho chính mình trong tình hình khó khăn chung. Lợi thế của các chủ đầu tư uy tín khi được tiếp cận nguồn tín dụng trong giai đoạn này chính là nhu cầu ở thực vẫn còn đang rất lớn. Trong khi đó, các chủ đầu tư ít tiềm lực, ít kinh nghiệp, chưa tạo được uy tín sẽ gặp nhiều khó khăn hơn”, bà Hằng chia sẻ.

Cũng theo bà Hằng, mới đây, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam là Quốc gia duy nhất tại châu Á được nâng mức dự báo tăng trưởng trong năm nay. Với các nhà đầu tư, bà nhận thấy có những người đang mang tâm lý FOMO (Fear of Missing Out) – sợ cơ hội sẽ qua đi và không thể tận dụng được. Những người này tin rằng kinh tế vĩ mô đang duy trì được đà hồi phục và một giai đoạn tăng trưởng mới đang bắt đầu. Chính vì vậy, họ sẽ tìm cách dùng đòn bẩy tài chính sớm và phù hợp nhất để hướng đến các mục tiêu lợi nhuận về sau.

Trong khi đó, người mua nhà ở thực cũng sẽ có thêm điều kiện để đạt được giấc mơ an cư khi mà giá bất động sản vẫn duy trì đà tăng. Do đó người mua nhà ở thực sẽ có những động thái để mua nhà sớm nhất có thể và việc nới room tín dụng sẽ hỗ trợ tốt cho người mua.

Bà Hằng cho rằng, nếu nhìn rộng hơn, việc nới room tín dụng, từng bước sẽ giúp thị trường bất động sản sôi động trở lại và gia tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ hay châu Âu. Bởi, trong 8 tháng đầu năm 2022, trường bất động sản Việt Nam đã thu hút 3,3 tỉ USD vốn FDI, tăng hơn gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù vậy, bà Hằng vẫn cho rằng những tác động tích cực sẽ không diễn ra quá nhanh do nguồn vốn tín dụng mới sẽ được ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất, dịch vụ cũng như các ngành thiết yếu, trụ cột của nền kinh tế. Bất động sản vẫn là lĩnh vực đang được cơ quan chức năng có thẩm quyền theo sát diễn biến nhằm điều tiết dòng tín dụng một cách thận trọng và hiệu quả.

Nguồn tín dụng mới được
Nguồn tín dụng mới được "bơm" thêm sẽ là động lực cho thị trường bất động sản dù tác động tích cực sẽ diễn ra không quá nhanh.

Liên quan đến chính sách vĩ mô, sau đợt nới room tín dụng mới đây thì lãnh đạo NHNN cũng khẳng định sẽ không tiếp tục nới room để ổn định chính sách tiền tệ. Ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc NHNN, cho biết đơn vị này vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, không nới thêm room để ổn định lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Theo ông Hà, để điều hành chính sách tiền tệ nói chung, NHNN đang nỗ lực kiểm soát lạm phát, đảm bảo hoạt động an toàn của các tổ chức tín dụng, đảm bảo thanh khoản cho thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Cũng theo ông Hà, để tăng trưởng kinh tế, cần nhiều nguồn vốn khác nhau, không chỉ là tín dụng ngân hàng, mà còn có nhiều kênh dẫn vốn khác như cổ phiếu, trái phiếu, đầu tư công, nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Do đó, cần phải khơi thông đầy đủ các kênh dẫn vốn này.

Có thể bạn quan tâm

Điều chỉnh room tín dụng "mở đường" cho vốn ngoại đổ vào bất động sản