Những thương vụ M&A bất động sản thương mại
Ông Marc Townsend, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn bất động sản CBRE Việt Nam cho biết, số lượng yêu cầu đầu tư mà CBRE tiếp nhận trong 6 tháng đầu năm đã tăng 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể như Lotte Hotels & Resorts (Hàn Quốc) mua Khách sạn Legend Hotel Saigon trị giá hơn 62 triệu USD; Mapletree (Singapore) mua lại Cao ốc văn phòng Centre Point với hơn 52 triệu USD hay Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) ký biên bản ghi nhớ mua Cao ốc văn phòng Gemadept với giá trị khoảng 45 triệu USD.
Tiếp theo việc Quỹ Warburg Pincus công bố khoản đầu tư 200 triệu USD vào Vincom Retail, Công ty Quản lý quỹ EXS Capital có trụ sở tại Hồng Kông cũng vừa công bố thương vụ đầu tư 35 triệu USD (để ngỏ khả năng có thể mở nâng vốn đầu tư lên tới 80 triệu USD) vào Sơn Kim Land - một công ty đang sở hữu 6 dự án bất động sản tại Tp HCM và Hà Nội.
Bên cạnh đó, từ tháng 5/2013, các công ty bảo hiểm của Đài Loan (hiện đang quản lý 450 tỷ USD tiền vốn) sẽ được phép đầu tư mua bất động sản ở nước ngoài. Cho dù mỗi công ty không được phép đầu tư quá 10% vốn chủ sở hữu và không được phép vay mượn để mua bất động sản, nhưng theo nhận định của ông Joseph Lin, Giám đốc điều hành CBRE Đài Loan, nguồn vốn mà các công ty bảo hiểm Đài Loan có thể đầu tư lên đến 2,6 tỷ USD. Và TP.HCM là một trong 6 thành phố được các nhà đầu tư Đài Loan nhắm đến để đầu tư.
Theo ghi nhận của Công ty CP StoxPlus, năm 2012 có tới 35 thương vụ M&A bất động sản và chủ yếu là các dự án ở dạng hoàn tất thủ tục pháp lý hoặc đang triển khai dở dang của phân khúc căn hộ, nhà liền kề và biệt thự. Trong số 35 thương vụ có tới 29 thương vụ thuộc các nhà đầu tư trong nước, chỉ có 6 thương vụ là của các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, bước sang năm 2013, thị trường M&A bất động sản lại có chiều hướng diễn biến khác, đó là sự thâu tóm các dự án lớn của các tập đoàn nước ngoài. Nhận định về xu hướng M&A bất động sản 6 tháng đầu năm 2013, ông Lê Minh Dũng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu CBRE cho biết, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài có thể hợp tác với nhau để có thể tận dụng lợi thế riêng biệt của đối tác. Các doanh nghiệp trong nước thông thường dễ tiếp cận các quỹ đất với chi phí thấp hơn, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài có uy tín, công nghệ và trình độ quản lý cao hơn.
Còn một thống kê khác của StoxPlus, các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu tham gia mua lại các dự án trong phân khúc trung tâm thương mại/bán lẻ trong đó có Lotte (Hàn Quốc) đã công khai kế hoạch phát triển 60 siêu thị, trung tâm thương mại tại các thành phố lớn của Việt Nam từ nay đến 2020; Mapletree (Tập đoàn bán lẻ Singapore) cũng cam kết đầu tư tới 1 tỷ USD tại Việt Nam hay AEON của Nhật Bản đang thực hiện các dự án liên doanh với Tập đoàn Him Lam.
Đối với các dự án căn hộ, giao dịch M&A trong phân khúc này chủ yếu là các giao dịch gia tăng sở hữu của phía nước ngoài như đối tác Perdana Parkcity của Malaysia tăng sở hữu từ 75% lên 100% trong liên doanh với Vinaconex Hoàng Thành trước áp lực tài chính và trả nợ của Vinaconex.
Dự báo của CBRE, trong thời gian tới, các nhà đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông và Đài Loan) đã và sẽ tạo lên sức cầu M&A chính trong các dự án bất động sản thương mại.
(Theo VnMedia)