Sau khi tích hợp 3 quận 2, quận 9 và Thủ Đức sẽ tạo thành một vùng động lực rộng 21.000ha
Những điểm nhấn của thành phố Thủ Đức trong tương lai
Động lực tăng trưởng mới của TP.HCM
Văn phòng Chính phủ mới đây đã có thông báo kết luận đồng ý chủ trương thành lập thành phố Thành phố Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức ở phía Đông TP. HCM. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng chỉ đạo giao Sở Quy hoạch Kiến trúc TP phối hợp đơn vị tư vấn, hoàn chỉnh dự thảo của đề án hình thành và phát triển khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông dựa trên ý kiến đóng góp của các sở, ngành. Mức kinh phí thống nhất là 100.000 USD, hoàn chỉnh trong tháng 8.
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, sau khi tích hợp 3 quận 2, quận 9 và Thủ Đức sẽ tạo thành một vùng động lực rộng 21.000ha, với 1 triệu dân, chiếm khoảng 10% dân số và 10% diện tích toàn TP.HCM, nhưng ước mục tiêu đóng góp 30% GRDP của thành phố, tương đương 4-5% GDP cả nước. Trong khi đó, TP.HCM chiếm khoảng 23% GDP cả nước, đóng góp 27% ngân sách quốc gia. Vì vậy, việc hình thành một vùng động lực phát triển kinh tế mới sẽ tiếp tục tác động tích cực lớn đến kinh tế của TP.HCM và của cả nước.
Theo ý tưởng quy hoạch của Công ty Sasaki, TP Thủ Đức trong tương lai sẽ có 6 trung tâm quan trọng gồm: Trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm; Khu thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; Trung tâm công nghệ cao Sài Gòn; Trung tâm công nghệ giáo dục (Đại học Quốc gia TP HCM); Khu công nghệ sinh thái Tam Đa và Khu đô thị tương lai Trường Thọ.
Quận 9 sẽ trở thành trung tâm sáng tạo, công nghệ và là khu vực phát triển năng động nhất – hứa hẹn thu hút các công dân quốc tế đến làm việc tại TP.HCM.Theo đó, có thể hình dung trong tương lai, Quận Thủ Đức sẽ trở thành trung tâm hành chính của Thành phố Thủ Đức. Quận 2 sẽ trở thành trung tâm tài chính.
Đáng chú ý, dù đi sau nhưng Quận 9 được quy hoạch mới nên sẽ đồng bộ và hiện đại nhất so với Thủ thức và quận 2.
Quận 9 có cơ hội trở thành trung tâm phát triển năng động nhất của Thành phố Thủ Đức nhờ được quy hoạch thành trung tâm của mạng lưới đô thị sáng tạo đồng thời có sự xuất hiện của những đại đô thị đẳng cấp quốc tế.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết sức hấp dẫn của đề án TP Thủ Đức đến từ tốc độ phát triển hạ tầng và quy hoạch tương lai. “Quận 9 đang được đầu tư rất mạnh, kết nối nhanh chóng với trung tâm TP cũng như các tỉnh miền Đông Nam bộ. Môi trường sống tại đây trong lành, thu hút nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới rót vốn đầu tư, kéo theo lượng người nhập cư, chuyên gia, công nhân liên tục gia tăng”, ông Châu cho biết.
Theo ý tưởng quy hoạch của Công ty Sasaki, Trung tâm công nghệ sinh thái Tam Đa ở quận 9 sẽ là nơi tập trung nhất về mảng công nghệ sinh thái, mang đến nhiều cơ hội sáng tạo và thực hành. Những khu vườn mưa, khu trường đại học, các trục chính phát triển và khu vực ven biển ngập mặn tạo môi trường phù hợp cho đổi mới nông nghiệp cũng như du lịch sinh thái. Khu vực này có các điều kiện địa điểm tự nhiên của bờ sông để thúc đẩy du lịch sinh thái và trung tâm chế biến thực phẩm có thể hỗ trợ phát triển ẩm thực cũng như các ngành công-nông nghiệp.
Giấc mơ một “thành phố của châu Á”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ 4 đề án đột phá của TP.HCM, trong đó có Đề án thành lập thành phố Thủ Đức và Đề án phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP.HCM. Cùng xu hướng dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu khỏi Trung Quốc đang diễn ra, Thủ Đức có thể hướng tới việc đón làn sóng đầu tư đang có xu hướng dịch chuyển khỏi Trung Quốc, sắp xếp lại chuỗi giá trị toàn cầu. Thủ Đức hay thành phố phía Đông có nhiều lợi thế trong xu hướng này khi hạ tầng và kết nối đã rất cơ bản, phần đất sẵn sàng cho các dự án có thể xây dựng còn rất nhiều. Dư địa không gian, dư địa phát triển, mức độ phát triển là rất lớn.
TP mới Thủ Đức được các chuyên gia kinh tế và quy hoạch so sánh với kinh nghiệm triển khai những ý tưởng tương tự tại các nước như Gangnam (phía nam sông Hàn) ở Seoul (Hàn Quốc) và Phố Đông ở Thượng Hải (Trung Quốc). Thực tế, TP. Thủ Đức cũng được kỳ vọng phải đặt trong tầm như vậy, thể chế, cấu trúc, chính quyền của TP. Thủ Đức phải so sánh được với các đô thị mức độ tiên tiến cao trong khu vực.
“Cần một cơ chế đặc thù, đột phá dành cho Thủ Đức giống như Trung Quốc đã làm với Thượng Hải, Bắc Kinh và Phố Đông. Đơn cử, có thể ưu tiên cho đô thị này giữ lại nguồn thu ở mức tỉ lệ tối đa, thậm chí giữ lại toàn bộ nguồn thu trong 10 - 20 năm đầu để đầu tư cho phát triển, đặc biệt là hoàn thiện cơ sở hạ tầng”, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, đề xuất.
Việc thành lập TP Thủ Đức không chỉ có ý nghĩa lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM mà còn là cơ sở để đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào TP.HCM. Theo Tiến sĩ Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM, việc lập Thành phố Thủ Đức giúp chuyển đổi và nâng tầm nền kinh tế hiện tại của TP.HCM trở thành nền kinh tế tri thức, công nghệ cao. Qua đó tạo ra nhiều việc làm có chất lượng hơn, sáng tạo hơn, thu nhập tốt hơn; hạ tầng được nâng cấp và thêm không gian xanh...
Không chỉ người dân 3 quận (2, 9, Thủ Đức) hưởng lợi trực tiếp từ việc được đầu tư, khu đô thị còn giúp TP.HCM có nền kinh tế phát triển hơn, đáng sống hơn.Vì vậy, Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nhấn mạnh thành lập TP. Thủ Đức không chỉ đơn giản là gom 3 quận thành 1 trên cơ sở địa giới hành chính. Cần xác định Thủ Đức là TP nằm ở cửa ngõ phía Đông, kết nối với toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên định hướng phát triển không thể tách rời các đô thị lân cận như Biên Hòa, Bình Dương, Dĩ An, Long Thành, Nhơn Trạch...