Kỳ vọng mức giá cho thuê sẽ vẫn duy trì ở mức cao trong năm nay. Ảnh minh họa: Trần Thời.

 
Nhật Anh Thứ Ba | 11/07/2023 18:35

Nhiều yếu tố đang là trợ lực của ngành bất động sản khu công nghiệp

Bất động sản khu công nghiệp tại Việt Nam được đánh giá vẫn đang được hưởng lợi từ nhiều yếu tố.

5 tháng đầu 2023, tổng vốn FDI vào Việt Nam suy giảm, tuy nhiên số dự án được phê duyệt tăng cho thấy tiềm năng tăng trưởng trong ngắn và trung hạn của khối ngành khu công nghiệp. Tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 10,9 tỉ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ nhưng đã tăng 11 điểm phần trăm so với 4 tháng đầu năm. Tuy nhiên có tới 962 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (+66,4% so với cùng kỳ) với tổng vốn đăng ký hơn 5,26 tỉ USD (+27,8% so với cùng kỳ).

 

Theo CBRE, giá cho thuê tại miền Bắc trong quý I/2023 tăng khoảng 2 - 5% so với cùng kỳ, trung bình 123 USD/m2/chu kỳ thuê trong khi khu vực miền Nam, giá cho thuê tăng từ 4 - 9% so với cùng kỳ tùy vào khu vực, trung bình rơi vào khoảng 173 USD/m2/chu kỳ thuê. 

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết họ kỳ vọng mức giá cho thuê sẽ vẫn duy trì ở mức cao trong năm nay khi mà nhiều hợp đồng ghi nhớ đã được ký với mức giá cao lên đến hơn 200 USD/m2/chu kỳ thuê, nguồn cung đất khu công nghiệp mới vẫn hạn chế khi mà tỉ lệ lấp đầy tại miền Bắc là 81%, tại miền Nam là 85%, đặc biệt tại một số tỉnh trọng điểm đã gần như lấp đầy hoàn toàn.

KBSV đánh giá ngành bất động sản khu công nghiệp tại Việt Nam hiện vẫn đang được hưởng lợi từ nhiều yếu tố: (1) các hợp đồng FTA đã ký kết cũng như các chính sách thu hút FDI của Việt Nam, (2) xu hướng chuyển dịch nhà máy từ Trung Quốc sang các nước lân cận (3) điều chỉnh Quy hoạch chung của nhiều tỉnh thành phố đã được Thủ tướng phê duyệt trong quý II vừa qua kỳ vọng tác động tích cực tới tiến độ các dự án khu công nghiệp và (4) các dự án xây dựng hạ tầng giao thông đang được Chính phủ đẩy mạnh triển khai như cao tốc Bắc Nam, vành đai 4 ở Hà Nội, các dự án cảng biển sân bay sẽ hỗ trợ trực tiếp cho ngành Bất động sản khu công nghiệp của Việt Nam trong dài hạn.

 

Bên cạnh đó, KBSV đánh giá các doanh nghiệp khu công nghiệp cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro đến từ: (1) nguồn cung thiếu hụt hạn chế dư địa tăng trưởng cho nhiều doanh nghiệp khi mà hiện nay thủ tục pháp lý vẫn là khó khăn lớn nhất mà ngành phải đối mặt, quá trình phê duyệt và giải phóng mặt bằng kéo dài, (2) thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến sẽ bắt đầu được áp dụng từ 2024, ảnh hưởng tới lợi thế về thuế suất ưu đãi của Việt Nam khi cho thuê khu công nghiệp với các doanh nghiệp nước ngoài, dự kiến sẽ ảnh hưởng tới triển vọng thu hút FDI của Việt Nam trong những năm tới (với loại thuế này, các công ty doanh thu từ 750 triệu Euro trở lên đều phải đóng thuế 15%) và (3) rủi ro suy thoái kinh tế thế giới, đây là lý do khiến các cổ phiếu khu công nghiệp hồi yếu hơn so với nhiều nhóm cổ phiếu khác trong thời gian vừa qua. 

Có thể bạn quan tâm 

Bất động sản dân dụng sẽ dần ấm trở lại