Thứ Năm | 18/10/2012 16:58

Nhiều nhà đầu tư xin trả lại dự án hạ tầng

Tình hình bất động sản trầm lắng, nhiều nhà đầu tư các dự án theo hình thức "đổi đất lấy hạ tầng" xin hoãn, giãn tiến độ hoặc trả lại dự án.
Giữa năm 2012, Tập đoàn Nam Cường là đơn vị đầu tiên đề nghị trả lại Dự án Khu đô thị mới Thạch Thất cho UBND TP Hà Nội với lý do dự án không phù hợp quy hoạch.

Đây là một trong số 6 dự án khu đô thị được thực hiện theo hình thức “đổi đất lấy hạ tầng” của Tập đoàn Nam Cường khi đơn vị này đề nghị xây dựng Dự án Đường trục phát triển kinh tế Bắc - Nam tỉnh Hà Tây (cũ).

Dự án có chiều dài 63,3km, mặt đường rộng 42m với tổng vốn đầu tư dự kiến 7.694 tỷ đồng. Được thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) kết hợp hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Dự án đã khởi công từ tháng 7/2008. Tuy nhiên, đến giữa năm 2012, Tập đoàn Nam Cường đã đề nghị trả lại Dự án.

Tập đoàn Nam Cường lý giải, sau khi địa giới hành chính của Hà Nội được mở rộng, dự án Khu đô thị Thạch Thất không còn phù hợp với quy hoạch chung của Thủ đô.

Tuy nhiên, giới chủ đầu tư bất động sản lại cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến việc Nam Cường trả lại dự án chủ yếu do sự u ám của thị trường địa ốc. Nếu Dự án Đường tiếp tục thực hiện, có thể sẽ được chuyển sang hình thức đầu tư trực tiếp bằng nguồn tiền tươi từ ngân sách, chứ không thực hiện theo hình thức “đổi đất lấy hạ tầng” như trước đây.

Mới đây, Tổng công ty Sông Đà (Tập đoàn Sông Đà trước đây) cũng xin trả lại Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 cũ đoạn Hà Nội - Thái Nguyên. Đề nghị này đã được chấp thuận và giao UBND tỉnh Thái Nguyên và TP Hà Nội tiếp tục huy động vốn thực hiện.

Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 cũ, đoạn Hà Nội - Thái Nguyên có chiều dài 33,3 km, được Tập đoàn Sông Đà đề xuất xây dựng theo hình thức BOT kết hợp hình thức BT từ năm 2010. Đổi lại, Tập đoàn Sông Đà sẽ được UBND TP. Hà Nội giao 300 - 400 ha đất tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh để kinh doanh hoàn vốn cho Dự án. Tuy nhiên, trước tình hình khó khăn của thị trường bất động sản kéo dài, Sông Đà đã quyết định rút lui khỏi dự án này.

Trong danh sách các dự án thực hiện theo hình thức “đổi đất lấy hạ tầng” có kế hoạch xin hoãn, hoặc giãn tiến độ được UBND TP Hà Nội chấp thuận mới đây, có rất nhiều dự án hạ tầng lớn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng sẽ phải tạm dừng.

Điển hình như dự án tuyến đường giao thông nối từ đường cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài đến ngã ba Dục Tú (Đông Anh) do Công ty cổ phần Xây dựng TASCO làm chủ đầu tư; tuyến đường trục từ Vĩnh Ngọc - Cổ Loa - Việt Hùng - Nguyên Khê (Đông Anh) do Công ty cổ phần Bưu chính - Viễn thông làm chủ đầu tư; hệ thống thoát nước phía Tây Nam quận Hà Đông do Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (CIENCO 5) làm chủ đầu tư…

Kết quả rà soát các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT của UBND TP Hà Nội mới đây cho biết, chỉ có 4/100 dự án được tiến hành kiểm tra hoàn thành việc xây dựng kể từ năm 2007 đến nay là: Dự án Bảo tàng Hà Nội, Dự án Cung trí thức Thành phố, Dự án Đường trục phát triển phía Bắc Hà Đông và Tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài đến hết địa phận Hà Nội cũ.

Có ít nhất 24 dự án phải dừng, không triển khai theo hình thức BOT, BT hoặc chuyển hình thức đầu tư khác, chủ yếu là các dự án thuộc loại “khó nhằn”. Nhóm nhà đầu tư được hủy bỏ dự án dạng này gồm: Công ty TNHH Tài Tâm, Công ty cổ phần Đầu tư công nghiệp xây dựng Hà Nội, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Lạc Hồng, Công ty BIC Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Thành Việt.

Trong điều kiện thị trường bất động sản hiện tại, các chủ đầu tư được hủy bỏ các dự án dạng này thực sự là một sự "giải thoát".

Trong số các dự án phải dừng và không triển khai theo hình thức BOT, BT, có những dự án có tổng vốn đầu tư lớn, lên đến hàng chục tỷ đồng. Nhiều dự án trong số này sẽ được chuyển sang sử dụng vốn ngân sách. Tuy nhiên, việc tìm kiếm nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các dự án hạ tầng được dự báo là sẽ vô cùng khó khăn trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay.

Nguồn Báo Đầu tư


Sự kiện