Thu hút vốn FDI trong 6 tháng đầu năm 2024 vẫn tăng trưởng tích cực, đạt 15,19 tỉ USD. Ảnh: NCĐT.

 
Việt Hà Thứ Ba | 13/08/2024 17:52

Nhiều điểm sáng cho doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp

Thu hút vốn FDI trong 6 tháng đầu năm 2024 vẫn tăng trưởng tích cực, đạt 15,19 tỉ USD.

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp phụ thuộc nhiều vào dòng vốn FDI, và dự kiến các doanh nghiệp này sẽ tiếp tục được hưởng lợi khi dòng vốn vào Việt Nam vẫn tích cực.  

Thu hút vốn FDI trong 6 tháng đầu năm 2024 vẫn tăng trưởng tích cực, đạt 15,19 tỉ USD. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong giai đoạn 5 năm (2020 - 2024). 

Các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài, như Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, TP.HCM, và Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục thu hút phần lớn nguồn vốn FDI. Các đối tác đầu tư truyền thống đến từ châu Á như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan, và Trung Quốc vẫn chiếm tỉ trọng lớn. 

 

Số liệu từ báo cáo của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), tính đến cuối tháng 6/2024,Việt Nam có 429 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất hơn 134.500 hecta. 

Giá thuê đất tiếp tục tăng trong quý II/2024, đạt 134 USD/m2/kỳ hạn còn lại, tăng 4,5% so với cùng kỳ ở phía Bắc và 173 USD/m2/kỳ hạn còn lại, tăng 1% so với cùng kỳ ở phía Nam.  

ACBS dự kiến giá thuê trong giai đoạn 2024-2026 tiếp tục tăng trưởng 3-7%/năm. Tỉ lệ lấp đầy khu vực phía Bắc đạt khoảng 83%, tăng 0,4% so với cùng kỳ trong khi tỉ lệ lấp đầy khu vực phía Nam tăng lên 92%, tăng 6,5% so với cùng kỳ.  

Giá thuê nhà kho/nhà xưởng tăng nhẹ trong quý II/2024, giá thuê nhà xưởng đạt gần 4,9 USD/m2/tháng, tăng 1,9% so với cùng kỳ ở miền Bắc và 1% so với cùng kỳ ở miền Nam. Dự kiến giá thuê sẽ tăng nhẹ 0-3,5%/năm trong giai đoạn 2024-2026. 

 

ACBS cho rằng Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư FDI. Đầu tiên, xu hướng Trung Quốc +1 và căng thẳng Trung Quốc - Đài Loan tiếp tục là động lực thúc đẩy các tập đoàn quốc tế di dời/mở rộng cơ sở sản xuất sang Việt Nam để giảm thiểu rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng.  

Thứ hai, Việt Nam đã tăng cường quan hệ hợp tác với các nền kinh tế lớn để thúc đẩy xuất khẩu cũng như thu hút thêm vốn FDI. Việt Nam nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ và Nhật trong năm 2023 và với Úc trong tháng 3/2024. Cùng với đó, Việt Nam đã ký kết các hiệp định như FTA hay CPTPP.  

Thứ ba, cải thiện cơ sở hạ tầng nhằm giảm bớt thời gian và chi phí logistics cho doanh nghiệp. Tỉ lệ đầu tư cơ sở hạ tầng trên GDP của Việt Nam trong những năm gần đây nằm trong nhóm cao nhất ở châu Á, đạt mức trung bình là 5,7%.  

Thứ tư, chi phí cạnh tranh (chi phí lao động, giá thuê đất, giá điện tương đối thấp so với khu vực). Tuy nhiên, ACBS cho rằng lợi thế về chi phí đang trên đà giảm dần (chi phí đền bù tăng, tốc độ tăng trưởng lương công nhân sản xuất, giá điện có xu hướng tăng, nguồn cung và sự ổn định của hệ thống điện).  

"Thuế tối thiểu toàn cầu ảnh hưởng đến lợi ích của các doanh nghiệp nước ngoài trong thời gian hưởng ưu đãi miễn giảm thuế, nên Chính phủ cần xem xét chuyển đổi, mở rộng hình thức ưu đãi như thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu, hỗ trợ chi phí R&D, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng. 

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại Chính phủ vẫn chưa ban hành các giải pháp cụ thể do cần thời gian để thảo luận tìm ra giải pháp hiệu quả và sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan", ACBS nhận định.  

Tổ chức này cũng cho rằng xu hướng phát triển khu công nghiệp sinh thái, sản phẩm linh hoạt chuyển đổi giữa nhà kho và nhà xưởng, nhà kho/nhà xưởng cao tầng sẽ ngày càng phổ biến. 

Có thể bạn quan tâm 

ESG và lợi nhuận tài chính trên bàn cân của quỹ đầu tư