Bộ Xây dựng đề xuất gói tín dụng 110.000 tỉ đồng cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Ảnh minh họa: TL.
Nhà ở xã hội đang thiếu hụt nguồn cung trầm trọng
Lệch pha cung cầu
Trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng ngân hàng cho lĩnh vực bất động sản luôn có sự tăng trưởng khá cao. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước năm 2022, tín dụng chung của nền kinh tế tăng 14,17%, nhưng riêng tín dụng dành cho lĩnh vực bất động sản đã tăng 24,2%. Tỉ trọng dư nợ tín dụng bất động sản trên tổng dư nợ của nền kinh tế ở mức khá cao, khoảng 21,6% và giá trị tuyệt đối là 2,58 triệu tỉ đồng. Trong cơ cấu này, trên 60% là tín dụng cho nhu cầu nhà ở, chủ yếu là phân khúc nhà ở giá trị cao, phản ánh bức tranh mất cân đối cung cầu của thị trường bất động sản, còn hơn 30% là cho vay đối với nhu cầu kinh doanh bất động sản.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, với những con số trên thì nhận định cho rằng chính sách tín dụng thắt chặt, siết chặt đối với bất động sản trong năm qua là chưa thỏa đáng. Bởi như chia sẻ của Tiến sĩ Cấn Văn Lực, trong nguồn vốn phát triển bất động sản năm 2022, vốn tín dụng chiếm đến 70%, còn các kênh khác chiếm khoảng 30%. Vì vậy, Thống đốc cho rằng cần phải đánh giá một cách trung thực, khách quan để có giải pháp tháo gỡ cho thị trường bất động sản.
Về phía các ngân hàng, trong những tháng cuối năm, đặc biệt từ tháng 10/2022, khi sự cố SCB xảy ra, bản thân các ngân hàng cũng phải lo về thanh khoản, để đảm bảo bất cứ khi nào người dân rút tiền đều có khả năng trả. Vì vậy, các ngân hàng thương mại phải cân đối nguồn vốn cho phù hợp để cấp tín dụng cho bất động sản vì tín dụng bất động sản thường là món vay giá trị lớn, kỳ hạn dài. Bản thân các ngân hàng thương mại cũng tự quyết định trong việc cấp tín dụng.
Về mất cân đối cung cầu trên thị trường; với phân khúc cao cấp, tín dụng trong những năm qua vào lĩnh vực này khá lớn. Hiện nay với những dự án chưa có cơ sở pháp lý, từ góc độ của người đầu cơ, thu nhập cao thấy với giá như vậy chưa có nhu cầu mua. Nên với phân khúc này cần hoàn thiện thủ tục pháp lý, tức là đã xây xong nhà phải có sổ hồng, sổ đỏ thì người dân mới mua và lưu ý về giá cả. Nếu 2 điều này được giải quyết có thể sẽ kích thích nhu cầu mua nhà đối với phân khúc cao cấp.
Gỡ rối cung cầu
Đối với phân khúc nhà ở có giá trị thấp và nhà ở xã hội đang thiếu hụt nguồn cung trầm trọng. Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, năm 2022, cả nước có 682 dự án với 301.967 căn hộ. Dự án nhà ở xã hội có 150 dự án với 19.967 căn hộ. Vì vậy, việc cải thiện và thúc đẩy nguồn vốn cho thị trường bất động sản này phải có những giải pháp thúc đẩy nguồn cung với các doanh nghiệp xây dựng phân khúc này.
Đối với đề xuất của Bộ Xây dựng về gói tín dụng 110.000 tỉ đồng cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy việc có riêng một gói tín dụng cho lĩnh vực này là cần thiết, để tăng cung nhà ở xã hội, giúp giảm mất cân đối với thị trường bất động sản. Tuy nhiên, nguồn vốn từ đâu là vấn đề cần phải cân nhắc.
Với nguồn vốn từ tái cấp vốn, đây là cung ứng tiền ra với thời gian dài hạn trong 10-15 năm tới, có thể làm giảm tính linh hoạt của chính sách tiền tệ. Vì vậy, đối với nguồn vốn cần tính toán tổng thể trên cơ sở chính sách tiền tệ cũng đang thực hiện nhiều chỉ đạo của Chính phủ về tái cơ cấu như tái cơ cấu các ngân hàng 0 đồng…, cũng như phải dành nguồn vốn cho các lĩnh vực, các ngành kinh tế khác.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã họp với 4 Ngân hàng Thương mại Nhà nước và các ngân hàng này đã thống nhất dành một gói tín dụng cho lĩnh vực này trị giá 120.000 tỉ đồng với lãi suất cho vay (cho cả người xây dựng và người mua nhà) thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.
Có thể bạn quan tâm
Không đặt ra room tín dụng riêng cho bất động sản
Nguồn Theo Ngân hàng Nhà nước